Bàn thờ gia tiên sai về quy cách, màu sơn

Dân làng nghề làm đồ thờ chuyên nghiệp cũng bị mất gốc?

Đăng ngày: 21/07/2022 - Cập nhật: 21/07/2022

Họa sĩ Hoàng Tuấn Can cho rằng thợ làm đồ thờ ở các làng nghề hiện nay hầu như đã đoạn tuyệt, vứt bỏ tinh hoa truyền thống ngàn năm để khai sinh một thứ “nghệ thuật” sống sượng, thô kệch, thậm chí là vô văn hóa chưa từng có.

Nhiều người nhắn hỏi tôi về cách làm đồ thờ, rồi bài trí ra sao cho đẹp và chuẩn mực. Câu hỏi vừa dễ vừa khó trả lời.

Sau đây tôi chỉ xin khái quát một vài nét về tình hình chung hiện nay. Qua đó mọi người có thể thấy cái khó của việc đi đặt làm đồ thờ hiện nay như thế nào.

Người Việt coi trọng việc thờ cúng tổ tiên. Quan sát đồ tế khí như bàn thờ, hương án, ngai ỷ, tam sơn, mâm bồng, hoành phi câu đối… các cụ xưa để lại, chúng ta có thể rút ra nhận xét chung: tất cả được tạo tác rất cẩn thận và hầu như đều là đồ tinh phẩm. Mỗi một đồ tế khí giống như một tác phẩm nghệ thuật. Dù đơn giản hay cầu kỳ tất cả đều rất ưa nhìn và có thể nói là không chê được điểm nào (cha ông ta xưa kia tập trung cao nhất trí tuệ vật lực cho đồ thờ).

Thế nhưng tinh hoa di sản đã từng được cha ông kế thừa và phát triển trải qua cả ngàn năm ấy bỗng dưng lụi tàn. Qua các mốc thời gian sau năm 1945, sau 1954, sau 1975, 1985 rồi… cho đến nay, sự lụi tàn, lao dốc ấy ngày càng thảm hại. Từ “tam sao thất bản”, “dĩ hư truyền hư”, đến lao xuống vực. Nếu như trước đây, nghệ thuật tạo tác đồ tế khí kế thừa và phát triển theo kiểu đường xoáy ốc thì chỉ trong vòng mấy chục năm qua, nó đã bị đứt gãy hoàn toàn. Thế hệ cháu con hầu như đã đoạn tuyệt, vứt bỏ tinh hoa truyền thống ngàn năm để khai sinh một thứ “nghệ thuật” sống sượng, thô kệch, thậm chí là vô văn hóa chưa từng có. Đáng chú ý, những người thiết kế và trực tiếp đục chạm này phần lớn đều là dân ở các làng nghề làm đồ thờ chuyên nghiệp.

Về kích thước kiểu dáng

Bàn thờ xưa dù cầu kỳ hay đơn giản đều có tỉ lệ cân đối, thanh thoát, tạo nên vẻ sang trọng đẹp mắt. Ngày nay bàn thờ thô kệch nặng nề, chân vai, khung đố quá to dày; sập không ra sập, bàn không ra bàn, bệ không ra bệ; Tây không ra Tây, Tàu không ra Tàu, mà Ta cũng chẳng ra Ta…

Dân làng nghề làm đồ thờ chuyên nghiệp cũng bị mất gốc?

Kích thước chân bàn to quá cỡ, đến mức vô lý

Kích thước chân bàn và đố do ông thợ mộc vẽ ra sao cho thật to, đục chạm sao cho thật chi chít để tính tiền gỗ và tiền công sao cho nhiều. Thậm chí nhiều cái chân bàn thờ được thiết kế to quá cỡ, đến mức vô lý. Hỏi ra mới biết là do ông thầy cúng phán rằng cái tuổi của gia chủ khi làm bàn thờ cho tổ tiên thì cái chân bàn nó phải to cỡ như vậy! Cả chủ nhân thích to nhiều gỗ để thể hiện sự giàu có và uy quyền (nhồi nhét gỗ thưng kín cả hậu cung).

Họa tiết hoa văn sống sượng, rườm rà

Đã gọi là nghệ thuật thì phải cao hơn hiện thực. Đặc biệt, tổ tiên thần thánh được quan niệm là bậc siêu phàm nên hoa văn họa tiết điêu khắc càng được người xưa cách điệu hóa rất cao.

Thế nhưng, ngày nay người làm đồ thờ đục chạm sao chép rất vô lối, bát nháo. Họ sao chép cả mẫu hoa văn họa tiết của bàn ghế giường tủ, đồ gia dụng, hoặc bê các mẫu hoa lá ngoài thiên nhiên áp vào đồ thờ một cách sống sượng.

Dân làng nghề làm đồ thờ chuyên nghiệp cũng bị mất gốc?

Họa tiết sống sượng, rườm rà

Cùng một cái bàn thờ mà chỗ thì triện cổ, trúc đào hóa long lối cổ, chỗ thì hoa lá cành, chim chóc tả thực đến từng cái gân lá, cánh hoa, lông chim…, trông rất sống sượng. Lại sẵn công nghệ chạm đục bằng máy nên người ta lạm dụng đục chi chít các loại hoa văn, các phong cách đá nhau đã rối càng thêm rườm rà.

Đa số bàn thờ không có mặt hổ phù. Mặt hổ phù là họa tiết chính được bố trí ở chính giữa phần hoa văn mặt trước của bàn thờ và hai bên hông bàn như một điểm nhấn. Về công năng, mặt hổ phù có tác dụng trấn át, tiêu diệt tà khí ma quỷ xâm phạm, giữ yên cho các cụ ngự trên bàn thờ (ngày nay họ thay bằng vài họa tiết hoặc bông hoa).

Sập thờ tam cấp

Sập thờ tam cấp thiết kế kiểu “sạp bán hàng” có nguồn gốc từ một làng nghề ở Nam Định

Một nghệ nhân cho ý kiến rằng: “Nhiều người có quan niệm ban thờ tam cấp mới thế. Thực chất không gian truyền thống gọi là ba lớp là chuẩn xác hơn. Ba lớp độc lập với nhau và có công năng sử dụng rõ ràng của ba lớp thờ. Còn ba cấp thế này chỉ bày kiểu gian hàng cho khách dễ quan sát mà thôi”.

Màu sơn lòe loẹt, chối mắt

Hầu như 100% các đồ tế khí xưa kia đều được các cụ sơn son thếp vàng, hoặc sơn son, sơn then đen đỏ, tạo nên vẻ uy nghi, sang trọng và thành kính cho không gian thờ cúng, tâm linh.

Đồ tế khí và đồ gia dụng vì thế khác hẳn nhau. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, người ta dùng sơn PU màu vàng hay cánh gián phủ một màu bóng nhẫy từ hoành phi câu đối, bàn thờ đến ngai ỷ. Thành ra đồ tế khí mà chẳng khác gì chất liệu màu sắc của cột kèo, bàn ghế giường tủ, các đồ gia dụng bằng gỗ trong nhà.

Một số người có tiền cũng sơn thếp nhưng chủ yếu là vàng pha, vàng Đài Loan hoặc nhũ vàng, giả vàng, đỏ chói, vàng chóe rất lòe loẹt, chối mắt…

Nội thất phòng thờ kết hợp màu sắc lòe loẹt

Sự kết hợp khá “chắp vá” với tông màu “không giống ai”

Chật kín, rối tinh rối mù, sai hết về quy chuẩn hoa văn và cả màu sơn. Đồ tế khí lẫn lộn với màu sắc cột xà nhà và bàn ghế đồ gia dụng.

Đồ thờ kết hợp vô tội vạ

Các cụ xưa kết hợp chặt chẽ hoàn hảo về phong thủy (công năng và thẩm mỹ) kim, mộc, thủy, hỏa, thổ trong thiết kế, trang trí đồ thờ. Trong đó mộc là chủ đạo, như ngai khám thờ bài vị, ống hương, ống hoa, giá gương, tam ngũ sơn, mâm xà, mâm bồng, đài rượu… Còn kim và thổ vì lạnh và thuộc âm nên chỉ là bát hương, lư hương và có thể cả chân đèn (vì những thứ này phải là vật liệu chịu lửa và đã được đốt nóng lên bởi lửa).

Thế nhưng ngày nay gia chủ phó mặc cho thợ mộc, hay thầy cúng tự tiện sáng tác bày đặt vô tội vạ. Hoặc quá nhiều đồ gốm men trắng toát hoặc quá nhiều đồ đồng vàng chóe. Thậm chí gọi là đồng nhưng thực chất là đồng pha hay hợp kim giả đồng trông rất rẻ tiền (âm, lạnh).

Trang trí sắp đặt theo cảm tính, không có kiến thức tâm linh

Xưa các cụ sắp đặt đồ tế khí theo lề lối truyền thống đã thành kinh điển. Ngày nay người ta trang trí sắp đặt theo cảm tính, không có kiến thức về văn hóa truyền thống mà tự ý vẽ vời, bắt chước, thậm chí là đua đòi theo trào lưu.

Bàn thờ gia tiên sai về quy cách, màu sơn

Bàn thờ sai về quy cách, màu sơn. Các đồ tế khí chỉ có kim và thổ (âm lạnh), đặc biệt đôi lộc bình quá to cao o ép lấn lướt hai bên bàn thờ.

Có những thứ xuất hiện như một thảm họa về nhận thức và trình độ thẩm mỹ. Ví như đua nhau đưa những đôi lộc bình gỗ hoặc gốm sứ to lớn sáng bóng ngự lên bàn thờ hoặc đặt đôi lộc bình to hơn cả cây cột nhà, cao hơn cả bàn thờ vào trang trí, thờ cúng. Những loại lộc bình này khi đưa vào trang trí nội thất nói chung và thờ cúng nói riêng đã phá vỡ hoàn toàn không gian bài trí (trong khi lục bình không có chức năng gì trong thờ cúng). Không lẽ thờ ông lục bình?

Lộc bình to cao lấn át tất cả từ đồ tế khí cho đến đồ dân dụng. Những ngai ỷ, bát hương, mâm bồng, hoành phi, câu đối…, thậm chí con người – chủ nhân của ngôi nhà cũng trở nên nhỏ bé trước những cặp lộc bình khổng lồ đứng lù lù hai bên bàn thờ. Có người cho rằng bày lộc bình to để “hút và giữ tài lộc” trong nhà. Nhưng lộc bình gỗ thực chất chỉ là khúc gỗ tiện tròn thành hình cái bình hoa, trong lòng hoàn toàn đặc thì hút và đựng tài lộc vào chỗ nào?!

Có thể nói, phong trào xây dựng nhà thờ, đầu tư cho việc thờ cúng ông bà tổ tiên đang ở trong thời kỳ “phục hưng” vô cùng mạnh mẽ. Về nhân tài vật lực, phương tiện, điều kiện thi công, chế tác… thì con cháu ngày nay gấp hàng trăm hàng hàng ngàn lần cha ông ngày xưa. Nhưng đáng tiếc rằng những gì cha ông tạo tác xưa kia tinh tế, chuẩn mực, có giá trị nghệ thuật và sức sống vững bền bao nhiêu thì ngược lại những gì con cháu ngày nay làm ra nó sống sít, thô thiển, non kém… bấy nhiêu. Người ta đổ tiền đổ của để xây dựng nhà thờ, làm đồ thờ… để dâng lên tổ tiên, mong bày tỏ tấm lòng hiếu thảo, thành kính với tiền nhân, lưu lại di sản muôn đời cho con cháu. Nhưng tiếc rằng, công việc quan trọng ấy bị khoán trắng cho thợ. Mà thợ hay làng nghề, nghệ nhân cũng ba bảy loại. Hậu quả là hầu như đến 90% là hỏng (đôi khi càng nhiều tiền càng sai càng hỏng).

Thật đáng buồn và đáng tiếc!

Dân làng nghề làm đồ thờ chuyên nghiệp cũng bị mất gốc?

Hoàng Tuấn Can – họa sĩ, nhà sưu tầm hiện vật văn hóa lịch sử người Thanh Hóa, con trai nhà nghiên cứu văn hóa Hoàng Tuấn Phổ.

Một số ý kiến trái chiều

Bài chia sẻ của họa sĩ Hoàng Tuấn Can đã nhận được khá nhiều ý kiến trái chiều. Ban biên tập thuviengo.vn chúng tôi xin trích dẫn một số bình luận nổi bật:

“Ối chết. Bác chủ topic nói thế thì các nhà thợ chúng em phải làm sao ạ. Nhu cầu của người dùng. Có cung ắt có cầu. Còn thờ Theo truyền thống hay theo hiện đại thì nó tùy vào nề nếp gia phong của từng gia đình ạ. Miễn sao mình giữ được truyền thống uống nước nhớ nguồn, thành tâm dâng lễ, thờ cúng tổ tiên các bác ạ. Không nên khắt khe qua trong việc cái này phải thế này, cái kia phải thế kia mới đúng. Vẫn biết rằng các thế hệ đi trước vẫn muốn giữ được đúng lề lối , phép tắc xưa. Nhưng mỗi thời mỗi khác ạ. Chúng em tuổi trẻ chỉ nói ra những suy nghĩ của lớp trẻ. Mong các bác có gì không đúng hãy bỏ qua, chứ đừng gạch đá em ạ”.

“Nhà sản xuất không phải nhà nghiên cứu nên họ đâu có hiểu biết, người mua thì mù mờ cứ thấy hoành tá tràng là thích. Hai thứ kết hợp vô hình chung đã kéo dài cái sai, âu cũng là do sự đứt gãy văn hoá mà nên”.

“Cứ đẹp mà phu hợp xu thế hiện đại, chả nhẽ cứ theo lối cổ mãi tụt hậu”.

“Quan điểm của mình thì không quá quan trọng đến ban thờ đẹp hay không đẹp, quan trọng mình phải có tâm với ông bà tổ tiên. Ban thờ đẹp đến mấy mà ko lau chùi, không sạch sẽ để ô uế, bụi bặm thì cũng không được. Mỗi gia đình có điều kiện khác nhau, phú quý sinh lễ nghĩa, phải có tiền mới mua được đồ thờ cúng đẹp được. Còn mua đồ thờ lối cũ hay lối mới là do tâm của mình với gia tiên, chứ chẳng có các cụ nào bảo mình phải mua đồ này đồ kia cả. Sống là ở cái tâm mà ra, đâu phải ai cũng có điều kiện mua sơn son thiếp vàng, mà lại là vàng ta… thế các cụ ngày xưa toàn ở nhà tranh, nhà ngói,… bây h các con cháu toàn nhà tầng, nhà trung cư, chẳng lẽ các cụ chê lối mới không về nhà con cháu nữa hay sao? Nói đi phải nói lại, thời thế thế thời – thay đổi cũng đổi thay”…

“Tất nhiên trong kinh doanh thì có cung ắt có cầu. Tuy vậy người dùng phần lớn không am tường lối cổ, văn hoá xưa của các bậc tiền nhân. Dưới góc độ là người lo việc thờ cúng thì mình phải tìm hiểu bản sắc văn hoá thờ cúng thì mới sắm sửa và bày trí đúng, hợp lý. Còn với góc độ là người thợ sản xuất bán đồ thờ tự thì cũng cần tư vấn cho khách hàng 1 cách có tâm, dựa trên những lối cổ theo đặc trưng vùng miền, tập quán địa phương vốn có. Nếu cả người bán và người mua đồ thờ dễ dãi, bỏ qua yếu tố dựa trên nền tảng Văn hoá, bản sắc truyền thống thì sẽ chỉ là 1 mớ hỗn tạp, lai căng. Tàu ko ra Tàu, Ta cũng chẳng phải Ta. Một bộ đồ thờ như vậy sẽ không mang giá trị đầy đủ ý nghĩa về tâm linh và cả yếu tố văn hoá. Làm tốt điều này thì người bán hàng không bao giờ lo ế khách”.

Các bạn có ý kiến như thế nào về vấn đề này, hãy để lại bình luận để cùng nhau trao đổi nhé!

Chủ đề: Phòng thờ