GỖ GỤ LÀ GÌ? NHỮNG THÔNG TIN NÊN BIẾT VỀ GỖ GỤ
Nếu bạn đang tham khảo các sản phẩm nội thất, chắc chắn sẽ không thiếu những sản phẩm được làm từ gỗ gụ. Vậy gỗ gụ là gì, loài gỗ này có ưu, nhược điểm gì, có những loại gỗ gụ nào và chất lượng của chúng có tốt hay không? Đây có lẽ là câu hỏi chung mà ai cũng quan tâm. Hãy cùng theo dõi bài biết này của chúng tôi để có thêm những thông tin chi tiết về loài gỗ này nhé!
Nội dung chính
Giới thiệu về gỗ gụ – Những thông tin chi tiết về loài gỗ này
Gỗ gụ là nguyên liệu sản xuất quen thuộc cho những sản phẩm nội thất cao cấp như: bàn ghế, trường kỷ, sập gụ, tủ thờ, giường… hay còn được sử dụng cho các công trình xây dựng và một số ngành nghề khác. Chúng được khai thác từ cây gụ. Trước hết chúng ta hãy cùng tìm hiểu về loài cây này.
Đặc điểm hình thái của cây gụ
Cây gụ hay còn được gọi với các tên khác như: gõ dầu, gõ sương, gụ lau… Có tên khoa học là Sindora tonkinensis.
Loài gỗ này có thân gỗ lớn, cao thẳng và không có nhiều nhánh nhỏ. Chiều cao trung bình có thể đạt đến 20 – 25m hoặc cao hơn, đường kính khoảng 0,6-0,8m. Vỏ của cây trưởng thành sẽ xuất hiện các vết nứt, hơi sần sùi, có màu xám đậm.
Lá của chúng thuộc loại kép lông chim một lần, chẵn (mọc đối xứng nhau, các đôi lá mọc cách nhau) lá có bầu dục. Mùa hoa sẽ vào tháng 3 đến tháng 5. Thường mọc thành từng chùm, cánh hoa phủ nhiều lông nhung, có màu vàng. Mùa quả chín sẽ là từ tháng 7 tới tháng 9. Quả của cây có hình bầu dục hoặc hơi tròn một chút, đầu quả hơi nhọn, thường mọc đơn lẻ. Kích thước quả vừa phải, chiều dài khoảng 7cm và rộng khoảng 4cm. Bên trong có chứa hạt và hạt của cây có thể tái sinh cây.
Đặc điểm sinh thái và sự phân bố của cây
Loài cây này thường phát triển ở rừng nhiệt đới, sinh trưởng ở độ cao dưới 600m. Cây ưa mùa mưa hay những mùa thời tiết ẩm ướt, nơi chúng sống đều là những nơi trên đất ẩm, có nhiều chất dinh dưỡng, tầng dày và dễ thoát nước.
Ở Việt Nam, chúng được trồng các tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam – Đà Nẵng, Khánh Hòa… Ngoài ra, loài cây này còn có thể tìm thấy ở Lào, Campuchia, Cuba, Nam Florida, Tây Ấn hay một số nước ở Châu Phi. Tuy nhiên, hiện tại do nạn khai thác gỗ bừa bãi dẫn đến tình trạng số lượng những cây có tuổi đời lâu năm đã gần cạn kiệt. Hiện tại loài cây này đã được xếp bậc DD (Data Defficient) trong Sách Đỏ vào năm 2007. Hiện nay đã có những kế hoạch trồng rừng để bảo tồn loài gỗ quý hiếm này.
Đặc điểm của gỗ gụ
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều các sản phẩm nội thất từ gỗ tự nhiên. Để có thể nhận biết được đâu là gỗ gụ bạn có thể quan sát các đặc điểm này của loài gỗ này:
- Thân gỗ: Vì không có nhiều cánh nhành đường kính thân gỗ to, thớ gỗ thẳng, có độ mịn cao. Đặc biệt, nếu là gỗ chất lượng tốt sẽ khá nặng.
- Màu sắc: Khi mới khai thác, gỗ sẽ có màu vàng hay màu vàng nghệ. Nhưng càng về lâu dài tùy theo tuổi đời của cây gỗ được khai thác, màu của gỗ sẽ chuyển dần sang màu nâu đậm hoặc nâu đỏ. Nếu ai đã từng bắt gặp qua nội thất gỗ gụ sẽ thấy rằng, những sản phẩm càng có thời gian sử dụng lâu màu sắc sẽ càng đẹp mắt, mang đến phong cách nội thất sang trọng mà cũng không mất đi vẻ hiện đại.
- Vân gỗ: Thường là những đường xoắn hoặc đường thẳng, mịn và rất đều.
- Mùi hương: Mùi hương của loài gỗ này có điểm khác biệt với các loại gỗ khác. Chúng không có mùi thơm mà sẽ có mùi chua nhẹ. Có thể lựa chọn mua các sản phẩm thô, chưa sơn để có thể dễ dàng nhận biết được loại gỗ chất lượng tốt hơn qua mùi đặc trưng này.
Ưu điểm của gỗ gụ
- Chất gỗ cứng, các cây gỗ đều được khai thác khi có tuổi đời cao nên có độ bền rất tốt, và không dễ bị cong vênh. Đặc biệt, gỗ có khả năng chống trầy xước rất tốt và chịu được những tác động mạnh rất tốt.
- Thân gỗ kích thước lớn, thớ gỗ mịn nên khi gia công, người thợ sẽ không mất quá nhiều thời gian để xử lý hơn. Đặc biệt, nhờ ưu điểm này giúp cho việc điêu khắc những chi tiết cầu kỳ, chế tạo các sản phẩm từ loại gỗ này được dễ dàng và đa dạng về phong cách thiết kế hơn.
- Dù là màu nguyên bản của gỗ cũng đã rất đẹp. Nhưng khi được sử dụng vecni để đánh bóng, bề mặt gỗ sẽ chuyển sang màu nâu đỏ hoặc nâu đậm. Làm cho các sản phẩm trở nên sang trọng hơn.
- Vân gỗ dù là những đường xoắn đều hay những đường thẳng. Nhưng khi kết hợp với màu tự nhiên của gỗ đều tạo nên phong cách rất đặc biệt. Giúp cho không gian của gia chủ trở nên đầm ấm, thanh nhã lên rất nhiều.
- Thời gian sử dụng càng lâu, màu sắc tự nhiên của gỗ càng bắt mắt. Nên sẽ không cần lo lắng sản phẩm bị phai màu theo thời gian.
- Khả năng chống mối mọt, và các loại sâu gỗ tốt, chính nhờ chất tiết ra từ gỗ. Khiến cho chúng có mùi hăng hơn các loại gỗ khác.
Gỗ gụ có mấy loại? Chất lượng của loại nào tốt hơn?
Hiện nay, người ta phân loại gỗ gụ dựa trên xuất xứ nguồn gốc, quốc gia và nơi sinh trưởng. Do đó, chúng được chia thành các loại:
- Gỗ gụ ta: (Còn được gọi là gụ Quảng Bình hay gụ bông lau): Đây là các giống gỗ gụ sinh trưởng tự nhiên ở các khu rừng ở tỉnh Quảng Bình của nước ta. Loại gỗ này đặc biệt quý và hiếm do hiện tại số lượng cây gỗ tự nhiên đã không còn nhiều. Do gỗ có chất lượng tốt và độ bền cao nên rất được ưa chuộng.
- Gỗ gụ mật (Hay còn gọi là gụ Gia Lai, gụ Campuchia): Loại gỗ này được trồng công nghiệp. Ở nước ta chúng được trồng phổ biến tại Gia Lai. Hoặc cũng có thể tìm thấy loại gỗ này ở Campuchia.
- Gỗ gụ Lào: Có nguồn gốc từ Lào và được nhập khẩu thương mại vào nước ta.
- Gỗ gụ Nam Phi: Loại gỗ này cũng là gỗ được nhập khẩu về Việt Nam hoặc vận chuyển gián tiếp từ Châu Phi thông qua quốc gia Nam Phi.
Xét về chất lượng gỗ, thì gỗ gụ ta (gụ Quảng Bình, gụ bông lau) được đánh giá cao nhất. Do loại gỗ này đều là những cây gỗ được khai thác khi cây có tuổi đời cao nên chất gỗ đặc, chắc chắn, thân gỗ thẳng, to và có màu sắc rất đẹp.
Gỗ gụ thường được dùng làm gì?
Qua những thông tin chi tiết về loài gỗ này ở trên, có thể thấy rằng thân gỗ gụ có những ưu điểm vượt trội. Do đó, loài gỗ này là sự lựa chọn hàng đầu của rất nhiều ngành nghề.
- Các sản phẩm nội thất gia đình như: tủ quần áo, giường, bàn ghế, trường kỷ, sập gụ, tủ chè, tủ thờ, đôn, cửa gỗ, tay vịn cầu thang,… Hay nội thất văn phòng như: bàn làm việc, tủ sách,…
- Sản xuất nhạc cụ âm nhạc như: guitar, uklele, hộp nhạc piano,…
- Đồ thủ công mỹ nghệ như: tượng, bộ tranh tứ quý, câu đối, bức bình phòng, lục bình,…
- Loài gỗ này cũng được sử dụng để xây nhà, xây đền miếu, đóng thuyền…
- Ngoài ra, hoa của chúng là nguồn mật tự nhiên ưa thích của loài ong. Trước đây, vỏ cây cũng được dùng làm màu nhuộm lưới đánh cá do trong vỏ cây có chứa chất tannin.
Tình trạng hiện tại của loại gỗ này
Do gỗ gụ càng lâu năm sẽ càng đem lại giá trị kinh tế cao. Mà nhu cầu sử dụng sản phẩm nội thất của loại gỗ này ngày càng nhiều. Nên các cây lâu năm đã bị khai thác tận triệt. Tuy đã có kế hoạch trồng lại những cây gỗ mới. Nhưng loại gỗ này lại sinh trưởng chậm do đó số lượng cây gỗ có tuổi đời cao ngày càng khan hiếm.
Cách bảo quản các sản phẩm làm từ gỗ gụ
Vì các sản phẩm làm từ loại gỗ này có giá thành cao. Đặc biệt, ưu điểm của các sản phẩm này là càng sử dụng màu sắc của chúng sẽ các bắt mắt và sang trọng. Nên việc chúng ta có cách bảo quản loại gỗ này đúng sẽ giúp cho các sản phẩm được bền bỉ theo thời gian:
- Thường xuyên vệ sinh, lau chùi bằng khăn khô để bề mặt gỗ sáng bóng và giữ màu.
- Không nên đặt sản phẩm ở những nơi ẩm thấp trong nhà.
- Nếu bề mặt gỗ có xuất hiện vết bẩn, nên sử dụng bột baking soda hoặc tinh dầu cam hay nước chè đặc. Không chỉ giúp loại bỏ vết bẩn mà còn làm cho bề mặt gỗ được sáng bóng hơn.
Kết luận
Gỗ gụ được coi là một trong những loại gỗ tốt nhất của Việt Nam do chất lượng gỗ tốt, thân gỗ lớn, lõi cứng và rất bền, màu sắc tự nhiên cùng với vân gỗ rất đẹp và bắt mắt. Trên đây là những thông tin chi tiết về loài gỗ này được Thư Viện Gỗ tổng hợp lại. Hy vọng rằng sẽ giúp bạn có thể chọn mua những sản phẩm gỗ gụ có chất lượng tốt nhất.