Cây vắp

Gỗ vắp – Ứng dụng của gỗ vắp trong cuộc sống

Đăng ngày: 30/01/2022 - Cập nhật: 16/03/2022

Nếu bạn đang muốn tìm mua các sản phẩm đồ gỗ chắc chắn đã nghe đến tên gỗ vắp. Vậy gỗ vắp là gỗ gì? Loại gỗ này được ứng dụng như thế nào trong cuộc sống hàng ngày? Hãy cùng Thư Viện Gỗ đi tìm câu trả lời nhé!

Cây vắp

Cây vắp

Gỗ vắp

Gỗ vắp hay còn có tên gọi khác là: vắp đinh, dõi, vếp hay vếp. Đây là một loại gỗ thuộc họ măng cụt (Clusiaceae); và có tên khoa học là Mesua ferrea L.

Xét về đặc tính thân gỗ, có thể nói đây là loại gỗ cứng nhất Việt Nam. Do đó, loại gỗ này cũng được xếp vào nhóm II trong bảng phân loại gỗ của Việt Nam; Nhóm gỗ thân cây to, gỗ nặng, cứng và có độ bền cao.

Với những ưu điểm vượt trội của mình thì loại gỗ này đã trở thành sự lựa chọn hàng đầu cho các sản phẩm nội thất hay trang trí gia đình. Không chỉ vậy, bởi vẻ đẹp của cây và hoa nên loại cây cũng được sử dụng nhiều để để làm cây cảnh quan. Hay ở một số địa phương, một số bộ phận của cây cũng được sử dụng để làm thuốc. Đây cũng chính là quốc thụ của nước Sri Lanka.

Thông tin về gỗ vắp

Đặc điểm sinh thái

Vắp là một loại cây có thân gỗ lớn; thường mọc ở rừng kín thường xanh trên núi đất hoặc ở nơi độ cao phân bố dưới 500m. Loại cây này sẽ ra hoa quả hàng năm; và đôi khi là 2 năm. Cây cũng tái sinh tự nhiên bằng hạt của mình.

Phân bố

Trên thế giới, ở một số nước đây là một loài bản địa; và thường mọc ở những vùng ẩm ướt của các nước như: Sri Lanka, Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan, Nam Nepal, Philippines, Malaysia, Đông Dương và Sumatra. Tại California, người ta cũng sử dụng loại cây này như cây cảnh quan đường phố và công viên.

Ở Việt Nam, vắp phân bố rải rác ở một số tỉnh thành như: Phú Thọ (Thanh Ba), Vĩnh Phúc ((Lập Thạch), Bắc Ninh, Hoà Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Kon Tum, Đồng Nai và Tây Ninh. Ngoài ra, tại TP.HCM trước đây đã có trồng thử vài cây trên đường Nguyễn Đình Chiểu, công viên Tao Đàn, Thảo Cầm Viên; Hà Tĩnh…

Đặc điểm hình thái

Cây vắp có thân gỗ to, thẳng, chiều cao từ 20 – 30m. Vỏ của cây khá mỏng, cành hình 4 cạnh và có màu nâu nhạt.

Lá cây mọc đối xứng, dày và dai; có hình thuôn hoặc mũi mác; chiều dài lá từ 9 – 13 cm, rộng 1,8 – 3,8 cm; gốc lá tròn hoặc thuôn, đầu lá nhọn; mặt trên của lá bóng mịn, còn mặt dưới lại có màu xám nhạt; cuống lá dài 9 – 10 mm. Với những lá non sẽ có màu hồng đỏ.

Hoa vắp to, có màu vàng, mọc đơn độc ở kẽ lá hoặc đầu ngọn, lông; đài có 4 răng hình mắt chim, hơi khum, có lông dạng mi; tràng có 4 cánh, tròn ở đầu; nhị nhiều, chỉ nhị mảnh, dài; bao phấn thuôn có trung đới ở đầu; bầu nhẵn có rãnh, 2 ô, mỗi ô chứa 2 noãn.

Vắp có quả nang; được bao bọc ở phần dưới bởi các lá đài và nửa dưới cánh hoa; có hình trái xoan nhọn, khi quả chín sẽ nứt làm 2 – 4 mảnh; chứa từ 1 – 4 hạt.

Mùa hoa của cây sẽ rơi vào tháng 3-4; và mùa quả sẽ là tháng 7-8.

Lá và hoa vắp

Lá và hoa vắp

Ứng dụng của gỗ vắp trong cuộc sống

Vắp là cây có thân gỗ cứng, chắc và sở hữu những ưu điểm nổi trội như: khó biến dạng hay ít bị mối mọt nên thường được dùng cho các công trình kiên cố, nguyên liệu cho các công cụ nông nghiệp, thủy lợi; và được ứng dụng rất nhiều trong ngành sản xuất các sản phẩm nội thất gia đình như: bàn ghế, sập, tủ, giường,…; một số sản phẩm trang trí như: tranh gỗ hay tẩu thuốc lá,…

Một số hình ảnh về các sản phẩm được làm từ gỗ vắp:

Giường ngủ

Giường ngủ

Tranh gỗ

Tranh gỗ

Đặc biệt, tại một số địa phương các bộ phận của cây được sử dụng như những loại thuốc đông y. Ví dụ như: Hoa cây vắp có vị chát đắng, mùi thơm tinh dầu; được dùng làm săn da, lợi tiêu hoá, lợi trung tiện, trừ nọc độc, trợ tim, bổ huyết. Quả chưa chín sẽ có mùi thơm; và có công năng phát hãn (làm ra mồ hôi). Vỏ thân cây cũng có mùi thơm nên có công năng làm săn se, khư phong thấp. Lá làm săn se, lợi tiêu hoá, trừ nọc độc. Hạt vị đắng được dùng để trị phong thấp, trừ bướu giáp, eczema.

Ưu điểm của gỗ vắp

Nằm trong nhóm II, bởi vậy gỗ vắp được còn được so sánh chất lượng không kém gì so với gỗ mun. Loại gỗ này có những ưu điểm như:

  • Thân gỗ to, cứng, nặng; không hay bị biến dạng hay cong vênh.
  • Nhờ những đặc tính này, loại gỗ này còn được mệnh danh là Ironwood.
  • Khả năng chống mối, mọt và các loại sâu gỗ tốt.
  • Gỗ có thể chịu được điều kiện thời tiết khắc nghiệt rất tốt.
  • Tỷ trọng là từ 940-1195kg/m3; với độ ẩm là 15%.
  • Gỗ có màu nâu đỏ, sẫm màu khá bắt mắt.

Lời kết

Có thể nói, gỗ vắp có những ưu điểm vượt trội của nhóm gỗ II. Do đó, chất lượng của gỗ cũng được đánh giá rất cao. Vì vậy, hiện nay các sản phẩm làm từ gỗ vắp đã trở nên khá phổ biến và được sử dụng rất nhiều trong cuộc sống hàng ngày.

Hy vọng, bài viết này đã giúp bạn hiểu hơn về loại gỗ này để có thể đưa ra lựa chọn có nên sử dụng loại gỗ này cho các sản phẩm đồ gỗ của gia đình mình hay không. Cảm ơn bạn đã theo dõi!

Chủ đề: Tìm hiểu về gỗ