Trám trắng – Đặc điểm và công dụng của gỗ
Gỗ Trám trắng là gỗ gì? Để biết loại gỗ này có tốt hay không? Đặc diểm và ứng dụng như thế nào? Hãy cùng Thư Viện Gỗ đi tìm câu trả lời này nhé!
Nội dung chính
Trám trắng là gỗ gì?
Trám trắng hay còn được gọi: Trám ba cạnh; Thanh quả; Cà na trắng, Ô lãm, Mác cợm, Mạy cưởm (Tày)
Tên khoa học: Canarium album (Lour.) Raeusch. Đây là một loài cây thuộc họ Trám (Burseraceae)
Gỗ để xẻ ván, đóng đồ mộc thông thường
Đặc điểm về gỗ Trám trắng
Để hiểu rõ hơn về loại gỗ này, hãy cùng nhau tìm hiểu về đặc điểm của gỗ.
Đặc điểm hình thái
– Đây là cây gỗ lớn có chiều cao trung bình từ 20 – 25m; đường kính ngang ngực khoảng 50 – 60cm. Vỏ cây có màu nâu xám mịn. Thân cây tròn thẳng, tán lá rộng và thường xanh quanh năm. Cành non có màu nâu nhạt, có lông mềm.
– Lá kép lông chim, mọc so le, dài chừng 6 – 8cm, gồm 8 – 10 lá chét. Lá gần gốc thì có đầu ngắn; lá ở giữa dài hơn và có đầu thuôn dài; còn lá tận cùng hình bầu dục; gân lá hơi rõ; lá kèm có lông mềm, màu nâu bạc.
– Cụm hoa mọc ở ngọn thành chùm kép, dài 8 – 10cm; lá bắc hình vảy, hoa mọc thưa; tụ họp từ 2 – 3 hoa ở một mấu. Hoa hình cầu, màu trắng. Mùa ra hoa vào tầm tháng 6 đến tháng 7.
– Quả hình thoi hay hình trứng, hai đầu tù, dài chừng 40mm, rộng khoảng 20 – 25mm. Khi chín, quả có màu vàng nhạt; bên trong có hạch cứng nhẵn, hình thoi. Mùa quả thường vào tháng 8 đến tháng 10.
– Trám trắng là cây ưa sáng, mọc nhanh.
Sự phân bố của Gỗ Trám Trắng
Trên thế giới, Trám trắng phân bố nhiều ở: Trung Quốc (Quảng Tây, Vân Nam); Lào (các tỉnh phía Bắc) và Campuchia.
Ở Việt Nam có 8 loài, trong đó trám trắng có thể coi là loài đặc hữu khu vực; vì cây chỉ phân bố chủ yếu ở miền Bắc, từ Quảng Bình trở ra, một phần lãnh thổ phía nam Trung Quốc (Quảng Tây – Vân Nam) và Bắc Lào. Trám trắng có mặt ở hầu hết các tỉnh phía Bắc, Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ. Có thể kể đến một số tỉnh thành như: Sơn La, Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Phú Thọ, Bắc Kạn, Hà Tây, Vĩnh Phúc; Hoà Bình, Hà Tĩnh, Gia Lai;…
Trám trắng thích hợp đất Feralit phát triển trên phiến thạch sét, phiến thạch mica và sa phiến thạch có thành phần cơ giới từ thịt nhẹ đến sét nhẹ, tầng đất sâu, ẩm, thoát nước, giàu mùn và có tính chất đất rừng. Nếu trồng trong vườn hộ gia đình có thể trồng trên đất xấu hơn nhưng phải thâm canh.
Trám trắng thuộc loài cây gỗ to, thường mọc rải rác ở rừng kín thường xanh còn nguyên sinh hay thứ sinh, độ cao dưới 500m. Cây mọc tự nhiên từ hạt sau 8-10 năm bắt đầu có hoa quả; cây trồng có thể sớm hơn.
Trám Trắng thuộc nhóm nào?
Trong Bảng phân loại nhóm gỗ theo Tiêu chuẩn Việt Nam gỗ Trám trắng thuộc GỖ NHÓM 5: Phổ biến trong xây dựng và làm đồ nội thất.
Nhóm gỗ có tỷ trọng trung bình, được dùng phổ biến trong lĩnh vực xây dựng và sản xuất đồ gỗ nội thất.
Đặc tính của Trám Trắng
Do loài cây này nằm trong nhóm gỗ thứ V trong bảng phân loại gỗ Việt Nam; nên chúng mang một số đặc tính như sau:
– Gỗ của trám trắng có giác lõi phân biệt; về màu sắc thường thì có màu trắng, vàng nhạt và hơi hồng. Vòng sinh trưởng không rõ.
– Gỗ có độ cứng và nặng trung bình, với khối lượng 550-630 kg/m3; các sợi gỗ có nhiều vách ngăn ngang, và dài trung bình.
– Trám Trắng dễ bị mối mọt tấn công, sức chịu đựng kém. Nhưng dù vậy, gỗ dễ chế biến; giúp thiết kế thành nhiều sản phẩm đồ gỗ khác nhau.
Ứng dụng của gỗ trong đời sống
Gỗ từ trám trắng được dùng làm đồ mộc; dùng trong ngành xây dựng và làm nguyên liệu cho công nghiệp gỗ dán, lạng, bột giấy và củi đun. Có thể kể đến một số thiết kế nội thất hay đồ mộc gia dụng như: tủ, bàn ghế, kệ chén, cánh cửa, giường, sàn gỗ, sofa, … Sở hữu những đồ nội thất này, chắc hẳn là sẽ giúp cho không gian căn nhà bạn gần gũi và sang trọng hơn.
Ngoài ra, quả trám là thức ăn phổ biến của nhiều người dân, nhất là đồng bào ở các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam.
- Quả Trám cũng được chế biến ô mai, làm thuốc chữa ho, hay giải rượu và giải độc.
- Vỏ cây trị dị ứng sơn, đau nhức răng.
- Nhân hạt trám trị giun và hóc xương.Trám trắng còn có thể cung cấp nhựa.
- Nhựa này dùng chưng cất lấy tinh dầu, nguồn nguyên liệu cho công nghiệp nước hoa. Thêm vào đó, nhựa trám cũng được sử dụng để chế biến sơn; hay dùng trong kỹ nghệ xà phòng, vecni.
Thu hoạch cây
Gỗ khá tốt, nhất là sau ngâm tẩm, dễ chế biến, dùng làm gỗ dán lạng, bột giấy (chứa 47,5% Cellulose). Quý nhất là trám cho nhiều nhựa, dùng chế keo, sơn, vécni, xi, xà phòng, dầu thơm, dược liệu,… Nhựa có 50-70% Colophan, dùng thay nhựa thông, chế tùng hương trong công nghệ và xuất khẩu, chứa 8-10% tinh dầu.
Quả để bán, ăn sống hoặc muối làm thức ăn, ô mai, phơi khô làm thuốc giải độc, tê thấp, ỉa chảy, cổ họng sưng đau, ho nhiều đờm,…Thu quả bằng cách trèo hái hay nhặt quả chín rụng quanh gốc.
Trích nhựa: Mở máng theo một đường chéo sát gốc rồi đặt chậu hứng nhựa. Trích nhựa vừa phải, tránh khai thác kiệt. Nhựa trám đạt yêu cầu có màu tự nhiên và tạp chất dưới 25%.
Thu hoạch gỗ: Sau khi kinh doanh quả, nhựa cần chặt cây lấy gỗ. Chặt xong cắt khúc theo quy cách làm gỗ dán hay gỗ xuất khẩu, sau đó quét thuốc bảo quản LN3 nồng độ 10%.
Giá của Gỗ Trám Trắng
Gỗ Trám Trắng giá bao nhiêu? Gỗ Trám Trắng có đắt không? Hãy cùng tìm hiểu câu trả lời nhé!
Cùng với sự phát triển lớn mạnh của ngành công nghiệp chế biến đồ gỗ; nên nhu cầu về nguyên liệu này ngày càng nhiều. Chính vì lý do này, trên thị trường, giá thành của gỗ cũng trở nên đắt đỏ hơn.
Trám Trắng có thể có các mức giá khác nhau; tùy theo tuổi đời hay nguồn gốc. Nhưng nhìn chung, mức giá của Trám Trắng khá “mềm”. Trung bình với các loại gỗ này sẽ có tầm giá như sau: tầm 2.300.000 VNĐ/m3 đối với gỗ tròn (đường kính >30cm, dài >1m; và khoảng 3.000.000 VNĐ/m3 đối với xẻ các quy cách dài >3m.
Lời kết
Gỗ Trám trắng được mọi người đánh giá cao là cây mang lại gỗ tốt; và cây cũng mang lại nhiều công dụng trong đời sống. Vì vậy, các sản phẩm của gỗ Trám trắng luôn nhận được sự quan tâm của mọi người. Đây là loại gỗ bền giá cả phù hợp chính vì thế khi muốn mua sản phẩm của gỗ cần tìm hiểu kĩ và tìm một cơ sở uy tín.
Trên đây là các thông tin chi tiết về gỗ Trám trắng được Thư Viện Gỗ tìm hiểu và tổng hợp lại. Hy vọng sẽ giúp bạn hiểu hơn về gỗ và có những thông cần thiết cho mình. Cảm ơn bạn đã theo dõi!
Tìm hiểu thêm thông tin về các loại gỗ khác đã được Thư Viện Gỗ cập nhật tại đây.