Bộ tranh Tứ Quý Tùng - Cúc - Trúc - Mai

Ý nghĩa bộ tranh Tứ Quý Tùng – Cúc – Trúc – Mai trong phong thủy

Đăng ngày: 03/10/2021 - Cập nhật: 05/10/2021

Ý nghĩa bộ tranh Tứ Quý Tùng – Cúc – Trúc – Mai trong phong thủy

Tìm hiểu về bộ tranh Tứ Quý Tùng – Cúc – Trúc – Mai

Bộ tranh Tứ Quý Tùng – Cúc – Trúc – Mai hay còn có tên gọi khác là bộ tranh Tứ Quý; có nguồn gốc từ Trung Quốc. Đây là bộ tranh khắc họa lại rõ nét 4 mùa trong năm là Xuân – Hạ – Thu – Đông.

Ngày nay, những bộ tranh trang trí không gian mang ý nghĩa phong thủy đã không còn quá xa lạ. Bởi từ xa xưa, sử dụng tranh phong thủy làm tăng vượng khí, bổ trợ hòa khí và giúp gia chủ luôn thịnh vượng, hạnh phúc. Ngoài ra, tranh phong thủy còn mang ý nghĩa thu hút tài lộc, mang lại sức khỏe – may mắn – niềm vui và xua tan những điều không may mắn cho cả gia đình.

Vì sao bộ tranh Tứ Quý Tùng – Cúc – Trúc – Mai được nhiều người yêu thích như vậy; và ý nghĩa bộ tranh Tứ Quý này trong phong thủy như thế nào? Hôm nay hãy cùng Thư Viện Gỗ tìm hiểu nhé!

Ý nghĩa về 4 loại cây Tùng – Cúc – Trúc – Mai

Đúng theo quy luật của tự nhiên, bộ tranh Tứ Quý này phải được gọi là Mai (Mùa xuân) – Trúc (Mùa hạ) – Cúc (Mùa thu) – Tùng (Mùa đông). Cái tên Tùng – Cúc – Trúc – Mai thực chất chỉ là một tên gọi theo thanh điệu và vần ta. Do đó, chúng ta đều có thể gọi bộ tranh này theo cả 2 cái tên trên.

Để hiểu rõ hơn về bộ tranh Tứ Quý Tùng – Cúc – Trúc – Mai này, trước hết chúng ta hãy cùng tìm hiểu về từng loại cây xuất hiện trong bộ tranh theo thứ tự các mùa trong năm nhé.

Tùng

Cây Tùng là một loại cây có sức sống rất mãnh liệt, dù thời tiết có khắc nghiệt đến đâu; ngay cả khi thời tiết nắng nóng hay giá lạnh loại cây thuộc họ nhà thông vẫn vững chãi vượt qua. Hay trên bất kỳ địa hình núi đá hiểm trở nào chúng cũng phát triển mạnh mẽ.

Loại cây này thường phát triển theo hình dạng tháp; do đó, loại cây này được ví như khí tiết của đấng nam nhi đại trượng phu; luôn vượt qua mọi sóng gió và không dễ dàng bị quật ngã.

Trong phong thủy Tùng mang linh khí rất tốt, có khả năng trừ tà; giúp gia chủ xua đuổi những điều không may mắn và mang đến bình an. Ngoài ra, loại cây này có tuổi thọ lâu năm; chính vì vậy, Tùng còn thể hiện sự trường thọ.

Cúc

Hoa Cúc xuất hiện trong bộ tranh Tứ Quý chính là hoa Cúc Vạn thọ, loại hoa biểu tượng cho sức sống dài lâu, sum suê; Cúc Vạn thọ còn mang ý nghĩa là cầu được ước thấy.

Cúc còn thể hiện khí phách kiên cường, không dễ dàng bị lay động bởi những cám dỗ. Chúng ta có thể thấy, loại hoa này từ khi còn là nụ hoa hay tới lúc tàn, bông cúc vẫn ở trên thân cây. Sử dụng hoa Cúc trong bộ tranh Tứ Quý với rất nhiều hàm ý tốt đẹp, mong muốn trường thọ, may mắn và tố chất thanh cao.

Trúc

Không chỉ là loại cây quen thuộc của biết bao người, Trúc cũng góp mặt vào một trong 4 loại cây xuất hiện trong bộ tranh Tứ Quý Tùng – Trúc – Cúc – Mai; bởi loại cây này tuy mang hình dáng mảnh mai nhưng lại rất kiên cường, mạnh mẽ.

Cây Trúc có thân cây dài, mọc thẳng và cho dù có bị thiêu rụi chúng cũng không hề cúi đầu. Loại cây này cũng có thể sinh trưởng mãnh liệt dù mọc ở những nơi đất khô cằn. Nhờ những điều này, Trúc đã được coi là một loại cây thể hiện cho sức khỏe; và ý trí tinh thần luôn bền bỉ, mạnh mẽ vượt lên mọi bến cố trong cuộc sống. Theo quan niệm dân gian, loại cây này còn mang tới sự cát tường, may mắn cho gia chủ.

Mai

Sự khởi đầu của mùa xuân chắc chắn không thể thiếu sự xuất hiện của hoa Mai.

Hoa Mai có rất nhiều loại. Tuy nhiên, nói về chi tiết loại hoa Mai xuất hiện trong bộ tranh này sẽ có rất nhiều người bị nhầm lẫn. Bởi cây Mai trong tranh Tứ Quý Tùng – Cúc – Trúc – Mai không phải là cây mai vàng thường thấy; mà là cây mai trắng loại hoa này thường thấy ở miền Bắc. Dù thời tiết ở miền Bắc vào mùa đông có giá lạnh đến mấy thì tới mùa xuân loại cây này vẫn “bứt phá” và nở ra những cánh hoa rất đẹp; thể hiện niềm hân hoan, vui vẻ và đón chào một năm mới đã đến.

Trong phong thủy, hoa Mai còn tượng trưng cho sự phú quý, phát tài – phát lộc và mang tới cho gia chủ sự sung túc, hạnh phúc, may mắn. Đặc biệt, chỉ cần chú ý một chút bạn có thể nhận ra rễ của loại hoa này thường ăn sâu vào đất; và có thể sống được dù ở những nơi khí hậu khác nhau. Chính vì vậy, hoa mai còn là biển tượng của sự hy sinh, chịu gian khổ, nhẫn nại và cố gắng vươn lên trong mọi hoàn cảnh.

Ý nghĩa bộ tranh Tứ Quý Tùng – Cúc – Trúc – Mai trong phong thủy

Từ xa xưa, ông cha ta đã quan niệm rằng “tứ” là biểu tượng của sự vững mạnh. Do đó, điều này cũng được ứng dụng vào nhiều tác phẩm nghệ thuật; hay nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống. Ví như trong một bộ bài, bốn quân bài cùng loại được coi là mạnh nhất; và được gọi với cái tên tứ quý.

Mỗi loại cây xuất hiện trong bộ tranh Tứ Quý Tùng – Cúc – Trúc – Mai đều mang một ý nghĩa riêng. Tuy nhiên, khi được kết hợp lại chúng thể hiện mong muốn sự đủ đầy, may mắn, vĩnh cửu, trường thọ, bình an và mạnh mẽ. Ngoài ra, bộ tranh này còn được sử dụng những loài chim tương ứng; giúp không gian sống và làm việc trở nên sinh động và hòa mình với thiên nhiên hơn.

Không chỉ là biểu tượng của 4 mùa trong năm; bộ tranh còn sử dụng 4 loại cây có sức sống mãnh liệt qua các mùa, qua bất kể các loại thời tiết để thể hiện đức tính của người quân tử. Bộ tranh Tứ Quý Tùng – Cúc – Trúc – Mai chính là biểu tượng của may mắn, thịnh vượng, phúc lộc và hạnh phúc.

Cách sắp xếp bộ tranh Tứ Quý Tùng – Cúc – Trúc – Mai

Đây là điều mà mọi người cần lưu ý nhất, bởi cái tên Tùng – Cúc – Trúc – Mai chỉ là do dân gian thuận miệng gọi như vậy. Bộ tranh Tứ Quý này để treo chính xác, cần sắp xếp lại đúng theo mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông. Thứ tự các tranh sẽ được treo từ trái sang phải, lần lượt là Mai – Trúc – Cúc – Tùng. Trường hợp gia chủ muốn sắp xếp bộ tranh theo tầng thì cũng cần sắp xếp theo thứ tự của 4 mùa; hoặc là phân chia theo tầng 1 là Mai – Trúc và tầng 2 sẽ là Cúc – Tùng.

Ngày nay, bộ tranh Tứ Quý Tùng – Cúc – Trúc – Mai rất đa dạng về chất liệu để bạn có thể lựa chọn chất liệu phù hợp với không gian của mình nhất. Hy vọng, qua bài viết này bạn đã hiểu hơn về bộ tranh Tứ Quý này. Cảm ơn bạn đã theo dõi!

Chủ đề: Nghề mộc