Gỗ xoan đào

Cây gỗ xoan đào

Đăng ngày: 20/06/2021 - Cập nhật: 23/08/2021

Xoan đào là một trong những cây gỗ tự nhiên được sử dụng khá phổ biến trong sản xuất đồ nội thất. Tuy nhiên rất nhiều người còn chưa hiểu rõ về loại gỗ này và thường nhầm lẫn gỗ xoan đào với xoan ta hoặc lát xoan. Trong bài viết này, Thư Viện Gỗ sẽ cung cấp thông tin đầy đủ nhất về cây gỗ xoan đào để giúp bạn nhận biết nó ngoài đời thực.

Giới thiệu về cây gỗ xoan đào

  • Tên khoa học: Pygeum arboreum Endl.
  • Tên khác: Xoan rừng, Xoan hồng, Vỏ hôi, Mạy thoong (gọi theo dân tộc Tày)
  • Tên địa phương: Xoan hôi, May sao, Suấn xủ, Tông dù,…
  • Họ thực vật: Hoa hồng (Rosaceae)

Đây là loài cây thân gỗ lớn, mọc hoang trong các khu rừng ở nhiều nước Đông Nam Á. Tại Việt Nam, cây xoan đào được tìm thấy nhiều tại các tỉnh vùng núi phía Bắc như: Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Lạng Sơn, Quảng Ninh,… Ngoài ra, nó cũng sinh trưởng tốt tại một số tỉnh Tây Nguyên (như Lâm Đồng, Kon Tum) và ở miền Đông Nam Trung Bộ (Bình Thuận, Đồng Nai).

Đặc điểm sinh học

Thân cây xoan đào thuộc dạng đơn trục, có hình trụ tròn, chồi ngọn trên thân phát triển mạnh theo một hướng thẳng đứng. Vỏ cây mỏng, nhẵn có màu xám tro, nhưng càng lớn sẽ càng nứt ra thành các mảng nhỏ. Vỏ cây chứa lớp nhựa có tính độc nên có khả năng chống sâu mọt và độ bền cao. Lớp nhựa này khiến cây tươi có mùi khó gửi, gần giống mùi bọ xít nhưng gỗ sau khi được xử lý thì lại có mùi hương tự nhiên thoang thoảng, dễ chịu.

Thân cây và quả xoan đào
Thân cây và quả xoan đào

Cây phân cành ở 3/4 chiều cao thân cây, phiến lá nhọn và dày. Cành non mới mọc phủ đầy lông mịn màu rỉ sắt. Tán cây thưa, có hình trứng hoặc hình cầu. Hoa thường mọc thành chùm ở đầu cành có lông mịn. Quả của cây thì sẽ có màu xanh, khi chín sẽ chuyển sang màu vàng nâu và cũng mọc thành một chùm nhỏ. Hạt to, cứng, chứa nhiều dầu thơm.

Xoan đào là cây ưa sáng, lớn rất nhanh và cũng dễ trồng nên được nhiều người gieo trồng với mục đích kinh tế. Mỗi năm cây con có thể tăng từ 1,3 – 2m chiều cao và khoảng 2 – 2,5cm đường kính. Sau khoảng 6-8 năm là có thể khai thác lấy gỗ. Trong điều kiện sinh trưởng tốt, một cây xoan đào trưởng thành có thể cao khoảng 20-25m, đường kính ngang ngực đạt 40-50cm. Những cây lâu năm có thể cao tới 40m với đường kính lên đến 85cm.

Giá trị kinh tế

Xoan đào là loài cây đem lại giá trị kinh tế cao vì cây rất dễ trồng, lớn nhanh, thời gian thu hoạch ngắn hơn nhiều so với các loại cây lâm nghiệp khác. Trong nhóm cây dễ trồng còn có keo và bạch đàn nhưng giá bán lại thấp hơn rất nhiều so với xoan đào. Trong khi đó, gỗ xoan đào cũng có chất lượng tốt hơn, được dùng phổ biến trong xây dựng và trong ngành công nghiệp gỗ.

Bên cạnh mục đích lấy gỗ, hiện nay quả xoan đào được dùng làm nguyên liệu sản xuất thuốc trừ sâu sinh học. Lá non, vỏ cây có thể dùng để chiết xuất tinh dầu. Lá cây cũng được dùng để làm thuốc chữa đau lưng, ngứa, ghẻ,… Hạt chứa nhiều dầu tỷ lệ 40-50% có thể ép dầu để đốt. Ngoài ra, trước đây than xoan đào được dùng làm thuốc súng và nguyên liệu sơn vẽ tranh.

Gỗ xoan đào có tốt không?

Xét về phẩm chất gỗ thì xoan đào cho gỗ rắn chắc, cứng, chịu nước tốt, khá bền. Nó được xếp vào nhóm 4 trong bảng phân loại gỗ tự nhiên của Việt Nam với các chỉ số cơ lý như sau:

  • Khối lượng riêng: 0,57 g/cm3
  • Hệ số co rút thẻ tích: 0,5
  • Độ bền uốn tĩnh: 41 MPa
  • Độ bền nén dọc: 86 MPa

Gỗ xoan đào mới xẻ có màu đỏ nhạt hoặc đỏ nâu sẫm màu tùy vào độ tuổi của cây. Cây càng già màu đỏ càng đậm, gỗ cũng rắn chắc hơn. Tuy nhiên, phẩm chất gỗ cũng phụ thuộc vào điều kiện sinh trưởng của cây. Xoan đào trồng trên đồi cho gỗ mềm hơn xoan đào trồng trên núi. Ngay cả cây mọc trong rừng cũng bị cạnh tranh nắng, những cây mọc lại từ gốc sau khi chặt khai thác lần đầu thì gỗ cũng xốp hơn chứ không mịn, cứng như ban đầu.

Gỗ xoan đào
Gỗ xoan đào

Ưu điểm

Đây là những lý do khiến gỗ xoan đào trở thành một trong những loại gỗ được sử dụng phổ biến nhất hiện nay:

  1. Giá thành tương đối hợp lý nên rất được ưa chuộng.
  2. Màu gỗ tự nhiên nhìn khá sang trọng.
  3. Mùi hương tự nhiên của gỗ sau khi xử lý khá dễ chịu.
  4. Khả năng chịu nhiệt, chịu nước khá tốt nên phù hợp với điều kiện thời tiết thay đổi khắc nghiệt, mưa nắng thất thường của nước ta.
  5. Mặc dù tỷ trọng gỗ nhẹ nhưng sau khi được tẩm sấy kỹ gỗ sẽ rất cứng và bền, có khả năng chịu nén, chịu lực rất tốt.

Nhìn chung, đây là một trong những loại gỗ tốt trong tầm giá nên được sử dụng rất phổ biến để sản xuất đồ nội thất gia đình. Độ bền sản phẩm nội thất gỗ xoan đào có thể lên đến hàng chục năm.

Nhược điểm

Xoan đào có một nhược điểm là nếu xẻ ván mỏng thì dễ bị cong vênh, thậm chí có thể bị xé toạc ra. Lý do là vì thớ gỗ nó xen kẽ những lớp không đồng nhất về chất (thớ gỗ cứng khô bên cạnh thớ gỗ mềm ướt) nên trong điều kiện khí hậu khô nóng, nước trong gỗ sẽ bay hơi dẫn đến co ngót không đều làm gỗ bị cong, vênh nhìn rất xấu.

Hơn nữa, vì là gỗ tự nhiên nên chắc chắn loại gỗ này cũng sẽ không tránh khỏi bị mối mọt và phai nhạt màu sắc theo thời gian. Tuy nhiên, chỉ cần thợ có kinh nghiệm sẽ biết cách xử lý và bảo quản gỗ để khắc phục 2 nhược điểm trên.

Gỗ xoan đào có những loại nào?

Thị trường đồ gỗ trong nước hiện có 3 loại gỗ xoan đào là xoan đào rừng, xoan đào trồng và xoan đào nhập khẩu.

1. Xoan đào Hoàng Anh Gia Lai

Đây là nguồn gỗ mang thương hiệu độc quyền của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (công ty của ông bầu bóng đá Đoàn Nguyên Đức). Tập đoàn này khai thác gỗ từ các khu rừng nguyên sinh ở Lào và Campuchia nên phẩm chất gỗ rất tốt, có thể coi là tốt nhất hiện nay bởi đây hoàn toàn là gỗ rừng già, mọc hoang tự nhiên 100%.

Loại gỗ này có thân gỗ lớn, màu đỏ sậm, vân sắc nét, thớ mịn hơn rất nhiều so với xoan đào nhập khẩu. Đặc biệt là gỗ rất ít tim sâu vì thế khi gia công người thợ cũng không phải xử lý nhiều. Nhờ chất gỗ rất đanh, cứng nên độ bền của nó cũng tính bằng vài chục năm, không hề thua kém một số loại gỗ quý. Tất nhiên, giá bán của nó cũng là cao nhất trong các loại xoan đào hiện nay.

2. Xoan đào Tây Bắc

Là giống xoan rừng nhưng được gieo trồng phổ biến tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Xét về phẩm chất gỗ thì nó không hề thua kém gì so với gỗ xoan đào Hoàng Anh Gia Lai nhưng vì khai thác sớm nên không có những cây lớn và chất gỗ cũng mềm hơn, không tốt bằng. Tuy nhiên, gỗ rừng hiện nay vô cùng khan hiếm nên bắt buộc phải thay thế bằng gỗ trồng. Dù chất lượng không bằng nhưng bù lại giá bán rẻ hơn.

Về phần tại sao người ta lại khai thác sớm mà không chờ cho cây già, thân gỗ to để gỗ tốt hơn, bán được giá cao hơn thì có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu vẫn là dựa trên hiệu quả kinh tế.

Cây xoan đào lớn rất nhanh, khoảng 6 tuổi là đường kính thân cây đạt hơn 30cm. Đây là thời điểm cây trưởng thành, chất lượng gỗ đạt tiêu chuẩn để khai thác. Nếu có chờ thì người ta cũng chỉ chờ thêm 1-2 năm nữa (cây khoảng 8 tuổi) là đường kính đạt 40-50cm. Từ thời điểm này trở đi cây lớn chậm hơn, muốn cây to 75-80cm thì phải chờ mấy chục năm nữa hết cả đời người. Cho nên xoan đào trồng thường bị khai thác sớm là vì như vậy.

3. Xoan đào nhập khẩu

Gỗ xoan đào được nhập khẩu vào Việt Nam dưới tên gọi Sapele (Saply hoặc Sapelli) có nguồn gốc từ Châu Phi. Nhiều thợ mộc cũng gọi là Lát xoan đào Nam Phi. Mặc dù mới có mặt ở thị trường gỗ Việt Nam khoảng 10 năm gần đây nhưng nó gần như đã trở thành nguồn gỗ chính, chiếm hơn 90% lượng gỗ xoan đào đang lưu hành trên thị trường và nằm trong top 10 loại gỗ nhập khẩu được tiêu thụ nhiều nhất.

Gỗ xoan đào Nam Phi
Gỗ xoan đào Nam Phi

Loại gỗ này không phải giống cây xoan đào Việt Nam mà là một cây họ Xoan khác với tên khoa học là Entandrophragma cylindricum. Cây gỗ này to hơn rất nhiều so với xoan đào của chúng ta. Chiều cao của những cây trưởng thành lên đến 40-45m, đường kính từ 1-1,5m. Cây cổ thụ có thể cao tới 60m, đường kính lên đến 2m.

Phẩm chất gỗ xoan Nam Phi cũng tương đối tốt, không thua kém gì so với xoan bản địa. Thậm chí nếu so về độ bền uốn tính và nén dọc thì xoan đào nhập Nam Phi còn tốt hơn. Tuy nhiên, trong quá trình gia công thực tế cho thấy loại gỗ này dễ bị cong vênh sau thời gian ngắn sử dụng, không đẹp như xoan ta.

Phân biệt Xoan đào với Xoan ta và Lát xoan

Thực vật họ Xoan (Meliaceae) có khoảng 50 chi và 550 loài trong đó Xoan ta (Melia azedarach) và Gỗ Sapele (Entandrophragma cylindricum) đều thuộc họ này. Nhưng Xoan đào lại thuộc họ Hoa hồng (Rosaceae) còn Lát xoan (Choerospondias axillaris) thuộc họ Xoài (Anacardiaceae) là một loại cây khác.

Đây là 3 cây gỗ khác nhau nhưng có một số đặc điểm chung và trong tên gọi của chúng đều là Xoan nên rất nhiều người không thể phân biệt được. Ngay cả thợ mộc cũng bị nhầm lẫn nếu không tìm hiểu kỹ.

Tên gọi địa phương mỗi nơi một kiểu

Xoan đào còn gọi là xoan rừng. Nó sinh trưởng tốt với đất rừng, trên đồi núi cao.

Lát xoan còn gọi là xoan nhừ, xoan trà, xuyên cóc, sơn cóc, giâu gia xoan to hoặc mjừ (Tày).

Gỗ xoan đào và Gỗ lát xoan
Gỗ xoan đào và Gỗ lát xoan

Xoan ta còn gọi là xoan nhà vì người miền Bắc thường trồng ở sân, trước hoặc sau nhà lấy bóng mát. Vào mùa đông lá cây sẽ úa vàng, rụng dần chỉ còn trơ cành làm cho cảnh sắc mùa đông càng thêm buồn tẻ, tịch mịch vì vậy người miền Trung và miền Nam cũng gọi xoan ta là sầu đông (hoặc sầu đâu, thầu đâu). Người Tày gọi xoan ta là mạy riển. Ngoài ra, nó cũng được gọi là xoan trắng vì gỗ khi xẻ có màu trắng.

Xét về phẩm chất gỗ

Dựa trên tính chất cơ lý thì gỗ xoan đào thuộc nhóm 4, xoan ta nhóm 5 còn xoan nhừ thuộc nhóm 6. Cho nên gỗ xoan đào là loại gỗ có chất lượng tốt nhất. Xoan ta thì mềm hơn và màu không đẹp như xoan đào. Còn xoan nhừ nhẹ nhất, gỗ không mịn, nhiều xơ, dễ bị mối mọt nên chủ yếu được trồng làm dược liệu.

Gỗ xoan đào và Gỗ xoan ta
Gỗ xoan đào và Gỗ xoan ta

Các sản phẩm nội thất được sản xuất từ gỗ xoan đào?

Với những ưu điểm trên loại gỗ này thường được sử dụng để sản xuất ra những sản phẩm nội thất như: giường ngủ, bàn ghế, sập, tủ quần áo, tủ bếp,…

Tủ quần áo được làm từ gỗ xoan đào có đường vân gỗ rất đẹp.
Tủ quần áo được làm từ gỗ xoan đào thường có đường vân gỗ rất đẹp

Cách nhận biết gỗ xoan đào chất lượng?

Gỗ xoan đào hiện tại đang có mức giá trung bình và được ưa chuộng trên thị trường Việt Nam. Do đó cũng sẽ không ít các trường hợp lợi dụng dùng loại gỗ giả để đánh lừa người sử dụng. Để phân biệt đâu là loại gỗ chuẩn và chất lượng, bạn có thể phân biệt qua:

– Màu sắc của gỗ:

Chúng thường có màu sắc rất riêng, thường là màu đỏ hồng và rất giống với màu sắc của gỗ sưa. Tuy nhiên, gỗ sưa thuộc loại gỗ quý hiếm nên bạn sẽ chỉ cần nhìn giá thành là có thể phân biệt được 2 loại gỗ này.

Vân gỗ:

Vân gỗ của loại gỗ này là vân gỗ tự nhiên, thẳng – đều – đẹp và có hình núi xếp chồng lên nhau.

Mùi đặc trưng của gỗ:

Sau khi được xử lý chúng sẽ có mùi hương thoang thoảng, dễ chịu tuy nhiên vẫn sẽ còn mùi đặc trưng của nó là mùi ngai ngái, khó chịu (như mùi bọ xít).

Kết luận

Đây là loại gỗ tự nhiên và hiện đang được sử dụng phổ biến trong các gia đình ở Việt Nam vì chất lượng cũng như là giá thành hợp lý của nó. Trên đây chúng tôi đã giúp bạn tổng hợp lại những thông tin hữu ích về loại gỗ này để bạn có thể tham khảo, đưa ra quyết định khi muốn lựa chọn loại gỗ này cho sản phẩm nội thất của gia đình mình.

Chủ đề: Tìm hiểu về gỗ