làng trống Lâm Yên

Nghề làm trống độc đáo làng trống Lâm Yên

Ngày đăng: 31/12/2021 lúc 22:48

Lâm Yên vốn là một vùng đất nổi tiếng từ xưa tới nay. Tuy nhiên nhiều người có thể vẫn chưa biết là vùng đất nổi tiếng về nghề làm trống giòn tan, âm vang vương xa bậc nhất Việt Nam. Bài viết hôm nay Thư Viện Gỗ giúp bạn tìm hiểu kỹ hơn về ngôi làng trống Lâm Yên truyền thống này.

Giới thiệu về làng trống Lâm Yên

Làng trống Lâm Yên tọa lạc tại ấp Nam xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Khách du lịch Hội An nếu muốn ghé thăm có thể đi từ trung tâm thành phố theo hướng Hùng Vương, men theo sông Thu Bồn rẽ phải ra cầu Giao Thủy. Rẽ phải tiếp ở cửa hàng điện máy Viễn, đi về hướng cầu Quảng Huế khoảng 4km là tới nơi. 

Làng nghề này đã ra đời từ rất lâu và đã có ít nhất 200 năm phát triển. Ở đây, có gia đình họ Phan đã 7 đời làm trống. Với họ; làm trống không chỉ là làm nghề mà còn như sống cảm giác tươi đẹp mà cha ông đã dày công gây dựng. 

Làng trống Lâm Yên thường làm theo mùa; thường là vào tháng 3 (thanh minh) và tháng 8 âm lịch để phục vụ các lễ hội dân gian; phục vụ cho trường học hay tết Trung thu…

Đôi nét về sản phẩm làng Lâm Yên

Thợ làng Lâm Yên làm được nhiều các loại trống: Trống đại; trống đội; trống dùng trong đình; chùa; trống chèo; trống cơm; trống trường; trống trung thu, trống hội, trống múa lân sư rồng… Một chiếc trống Trống có nhiều loại với nhiều kích cỡ khác nhau. Có trống to như trống chầu; trống nhỏ như trống tổng (đường kính mặt trống 16-17cm), trống lịnh (đường kính mặt trống 18-25cm); trống nhạc (đường kính mặt trống 27-28cm). Mỗi chiếc trống làm ra đều có quy cách và kích cỡ nhất định theo từng loại: trống chầu; trống chiêng; trống chùa… Tùy vào kích thước sản phẩm mà thời gian làm cũng khác nhau, nếu chiếc trống có kích thước trung bình thì người thợ mất thời gian từ 2 đến 4 ngày.

Hầu hết các chùa trên khắp cả nước đều có âm hưởng của Trống Lâm Yên. Những chiếc trống đã trở thành thương hiệu riêng cho làng trống Lâm Yên. Tiếng trống giòn tan, âm vang vương xa.

Hằng năm từ 1500 đến 2000 sản phẩm các loại được bán ra thị trường có khi sản phẩm của họ vào tận các tỉnh Tây Nguyên và cả miền Ðông Nam Bộ.

Quy trình làm trống Lâm Yên

Để làm thành một chiếc trống (trống chầu; trống lịch; trống lân; trống chiên; trống chùa…) người thợ làm trống phải qua nhiều công đoạn khác nhau.

Giai đoạn 1. Làm tang trống (thân trống)

Chọn gỗ là công đoạn đầu tiên của việc làm trống. Thân trống được làm từ gỗ mít, những người thợ phải lựa chọn những cây mít to già, vì gỗ mít sau khi được hoàn thanh sẽ tạo ra âm thanh tiếng trống đanh hơn. Tùy theo kích cỡ chiếc trống mà những người thợ sẽ định ra bao nhiêu dăm trống, sau khi xẻ ra dăm trống các người thợ sẽ mang những dăm trống đi phơi khô và dựng thành một tang trống hoàn chỉnh sao cho các dăm trống kín, khít không một lỗ hở rồi đem ra ngoài nắng phơi khô.

Giai đoạn 2. Làm da

Lựa chọn da trâu già (có độ bền; dẻo và dai hơn), sau đó căng ra và phơi khô. Cắt da trâu theo kích cỡ của miệng trống rồi ngâm vào nước từ 2-3 ngày, sau đó vớt ra gọt, bào mỏng bằng tay rất cẩn thận trước khi đặt lên bịt vào và khóa chốt thành mặt trống. Ở bước này, để trống mang lại âm sắc chuẩn người thợ phải bào da thật khéo sao cho chính giữa mặt trống là nơi dày nhất và giảm dần độ dày ra phía đai, niềng trống. 

Giai đoạn 3. Bưng trống

Sau khi tang trống được phơi khô và bào trà nhẵn nhụi, các người thợ sẽ tiến hành bưng mặt trống, giai đoạn bưng trống không đơn giản là căng mặt da trâu xong chốt vào thân trống, đòi hỏi người thợ có đôi tai cực thính để thẩm định chất lượng âm thanh tiếng trống đã đặt chuẩn chưa. Sau khi lấy được tiếng trống chuẩn các người thợ sẽ tiến hành cố định mặt trống vào thân trống. Các thợ trống Lâm Yên sẽ sử dụng đinh cây tre già để đóng vào thân trống để cố định mặt trống.

Ứng dụng khoa học công nghệ

Nghề làm trống trở nên nhẹ nhàng hơn so với trước đây, tất cả đều có máy móc hỗ trợ. Thị trường, khách hàng cũng dần ổn định. Vẫn là những bước làm trống cơ bản nhưng trống Lâm yên nổi tiếng nhờ độ bền, đẹp, nhờ bí quyết riêng cũng như tinh thần trách nhiệm của người thợ.

Công cụ sản xuất của làng nghề gồm rất nhiều loại dụng cụ và phân chia rõ ràng, dụng cụ nào dùng để làm da trống, dụng cụ nào làm tang trống. Các dụng cụ làm tang trống bao gồm: Ván bài, yếm bào, đòn ống, da bào, dao dựa, ca hạt mớp, ca dọc, máy xẻ gỗ, nạo, bào đứng, bào ngang, con sản; dụng cụ làm da trống đơn giản hơn, cụ thể: nghiến, khom, dùi đục. 

Vì sao làng trống Lâm Yên được mọi người yêu thích

Bí quyết tạo nên thương hiệu của làng nghề chính là khâu chọn lựa gỗ và da trâu. Đặc biệt, khâu bịt trống đóng vai trò rất quan trọng nhằm cho chiếc trống hoàn hảo về độ bền, cũng như âm thanh giòn, vang xa. Tiếng trống cái và trống hội bao giờ cũng trầm hùng, vang dội hơn trống ở nơi khác.

Mỗi sản phẩm làm ra đòi hỏi rất cao từ chất liệu ban đầu, ngoài việc đảm bảo chất lượng thì phải đảm bảo các tiêu chí: tròn, đẹp, và kêu hay. Những bí quyết này đều dựa vào cảm tính, kinh nghiệm lâu năm nên cha con, anh em, những người trong gia đình sẽ dễ để chia sẻ, truyền nghề cho nhau hơn. 

Nghề làm trống đòi hỏi ở người thợ tính cần cù nhẫn nại, chịu khó và khéo tay khi bắt đầu đến khi hoàn thành sản phẩm. Với bản tính năng động, nhạy bén ng­ười thợ làng nghề trống Lâm Yên luôn luôn tìm tòi và sáng tạo, các sản phẩm luôn đáp ứng được thị hiếu, thẩm mỹ của người sử dụng. Đó là sự đa dạng hoá các sản phẩm, sáng tạo nhiều chủng loại, kiểu dáng trống mới.

Trước đây, các nghệ nhân làm các loại trống tròn, tang gỗ thì hiện nay xuất hiện nhiều kiểu trống mới, có cả các loại trống của các dân tộc ít ng­ười và các loại trống nhỏ trang trí để phục vụ nhu cầu của khách du lịch.

Lời kết

Có dịp du lịch Quảng Nam, bạn không nên bỏ qua một chuyến tham quan làng trống Lâm Yên. Tìm hiểu thêm về công việc làm trống của các nghệ nhân nơi đây, được trải nghiệm từng bước tạo nên một chiếc trống hoàn chỉnh và có thể là mang về một chiếc trống nho nhỏ làm quà lưu niệm cho bản thân.

Chủ đề: Làng nghề gỗ