Gỗ trắc và những sự thật bạn chưa biết về các loại trắc tại Việt Nam

Gỗ trắc và những sự thật bạn chưa biết về các loại trắc tại Việt Nam

Đăng ngày: 25/07/2021 - Cập nhật: 20/07/2023

Nói đến các loại gỗ quý hiếm nhất trên thị trường hiện nay không thể không nhắc đến gỗ Trắc. Đây là loại gỗ tự nhiên cao cấp được đánh giá cao cả về chất lượng lẫn màu sắc. Các sản phẩm được làm ra từ loại gỗ này đều có độ bền và giá bán vô cùng đắt đỏ. Vậy gỗ trắc là gỗ gì? Cách nhận biết và phân biệt các loại gỗ trắc như thế nào? Hãy cùng Thư Viện Gỗ tìm hiểu nhé.

Gỗ trắc là gỗ gì?

Gỗ Trắc thuộc nhóm I trong bảng phân loại gỗ của Việt Nam, có tên khoa học là Dalbergia cochinchinensis. Đây là loại gỗ có nguồn gốc từ các nước Đông Dương và Thái Lan. Tại Việt Nam, chúng phân phối chủ yếu tại khu vực miền Trung và một số tỉnh miền Nam. Gỗ của nó có giá trị cao và được liệt vào danh mục cấm khai thác.

Trong dân gian, Gỗ Trắc còn gọi là cẩm lai Nam Bộ nhưng không phải là gỗ cẩm lai, bạn có thể tìm hiểu về gỗ cẩm lai qua bài viết này.

Phân loại thực vật

  • Tên khoa học: Dalbergia cochinchinensis Pierre
  • Tên tiếng Việt: Trắc
  • Tên tiếng Việt khác: Cẩm lai nam bộ, Trắc bông, Trắc đen, Trắctrắng, Giâu ca (Gia Rai), Ka Rắc (Ba Na), Ka-nhung (Khơ-me).
  • Tên tiếng Anh: Rosewood, Siamese rosewood, Thailandrosewood, Tracwood.
  • Tên tiếng nước ngoài khác: Payung (Thái Lan); Kranhung(Cam-pu-chia); Kha nhoung (Lào), Suan zhī mù (Trung Quốc).
  • Chi: Trắc (Dalbergia)
  • Họ: Đậu (Fabaceae)

Đặc điểm sinh học của cây gỗ trắc

Cây gỗ trắc là loại cây thân gỗ lớn, khi trưởng thành có thể cao tới 25m và đường kính thân đạt tới 1m. Cây ưa bóng râm khi còn là cây non và ưa sáng khi trưởng thành. Cây dễ tái sinh nhưng khả năng sinh trưởng rất chậm, thường rụng lá vào mùa khô và phân bố ở những khu rừng thường xanh hay nửa rụng lá, có độ cao dưới 500m.

Cây gỗ trắc cổ thụ tại Vườn quốc gia Cát Tiên

Cây gỗ trắc dễ tái sinh nhưng khả năng sinh trưởng rất chậm, hiện tại rất hiếm cây to trong tự nhiên do bị khai thác mạnh (Hình ảnh một cây gỗ trắc cổ thụ tại Vườn quốc gia Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng)

Vỏ cây có màu xám nâu, không sần sùi mà có nhiều xơ, bong thành các mảng làm lộ ra phần vỏ sâu bên trong có màu vàng hoặc đỏ vàng. Cây có nhiều cành non, nhỏ và nhẵn, xuất hiện những đốm màu trắng.

Lá cây trắc có hình trái xoan, phần đầu hơi thon nhọn, là loại kép lông chim 1 lần mọc cách. Hoa thường mọc thành chùm ở nách lá, hoa lưỡng tính, có màu trắng. Quả giống hình quả đậu dẹt, chứa hạt mọc nổi lên ở thân quả, khi còn non quả có màu xanh, và chuyển dần sang màu nâu nhạt khi quả khô.

Tại Việt Nam, cây gỗ trắc mọc rải rác trong rừng, trên đất có tầng đất mặt dày, giàu chất dinh dưỡng, ở độ cao từ thấp đến 600-700m, đôi khi đến 1.000m. Cây phân bố ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang.

Gỗ trắc có tốt không?

Gỗ trắc được đánh giá cao nhờ đường vân chìm đều, độc đáo và tinh tế tựa những đám mây. Thớ gỗ tự nhiên có màu đỏ tươi, tom gỗ mịn, thịt gỗ chắc và cứng, có trọng lượng khá nặng, khi cầm lên tay sẽ cảm thấy chắc tay hơn những loại gỗ khác. Bởi vậy gỗ có thể chống lại sự tác động của môi trường cũng như mối mọt, sâu hại. Gỗ có độ bền cao, ít bị biến dạng hay nứt vỡ khi thi công.

Cây gỗ trắc có cả phần thân và phần rễ đều có thể sử dụng để sản xuất các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp. Rễ cây trắc có màu vàng nghệ đậm. Đặc biệt, các sản phẩm được làm từ loại gỗ này đều có độ bền vượt thời gian, càng sử dụng càng bóng và đậm màu hơn.

Bộ bàn ghế gỗ trắc ta 7 món đẹp đẳng cấp

Bộ bàn ghế gỗ trắc ta 7 món gần 100 tuổi nhưng vẫn còn đẹp đẳng cấp, chỉ cần tút tát lại đôi chút sẽ lại như mới

Gỗ trắc có nhiều loại, do đó đặc tính gỗ, đường vân và màu sắc mỗi loại cũng sẽ có một điểm riêng biệt. Tuy nhiên điểm chung là có mùi thơm nhẹ (gần giống mùi hoa hồng) do trong thân gỗ có chứa tinh dầu rất tốt cho việc giảm căng thẳng, thư giãn tinh thần, rất an toàn với người dùng. Các sản phẩm gỗ trắc cũng được ứng dụng nhiều để làm bàn ghế, đồ mỹ nghệ, đặc biệt là các loại vòng phong thủy.

Riêng loại gỗ trắc được nhập khẩu từ Nam Phi sẽ có mùi hơi ngai ngái, chất lượng kém hơn. Tên gọi thì giống nhưng hoàn toàn là gỗ khác chứ không phải cùng giống cây như trắc Việt.

Phân biệt các loại gỗ trắc

Theo danh mục các loại gỗ thì trắc có tới hơn 40 loại khác nhau. Nếu phân loại theo nơi sinh trưởng, thì ở Việt Nam có các loại trắc như: trắc đen, trắc đỏ, trắc đỏ đen, trắc vàng (trắc nghệ), trắc xanh, trắc cam bốt, trắc dây…; và trắc nhập khẩu từ Châu Phi và Nam Phi.

Bài viết hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ về các loại trắc phổ biến trên thị trường gỗ Việt Nam hiện nay.

Gỗ trắc đen (trắc Việt, trắc ta)

Đây là loại gỗ trắc bản địa Việt Nam nên còn được gọi là trắc ta. Tên khoa học của nó là: Dalbergia cochinchinensis. Trong số những loại gỗ quý hiếm nhất tại Việt Nam thì trắc đen được xếp vào nhóm 3 loại gỗ đứng đầu cùng với gỗ sưa và gỗ cẩm. Độ bền của loại gỗ này đã được chứng minh là vượt thời gian, được đánh giá cao nhất trong các loại trắc.

Nguyên bản gỗ có màu xám đen (hoặc nâu sẫm đen), càng vào gần phần lõi càng có màu đen mun, đậm hơn so với bề mặt gỗ rất bắt mắt. Bề mặt gỗ tự nhiên không cần sơn PU đã có độ bóng rất cao.

Bộ bàn ghế gỗ trắc Việt (trắc ta)

Bộ bàn ghế gỗ trắc Việt (trắc ta) hơn 30 tuổi đục trúc lâm quân tử và chim hoa rất đẹp

Các sản phẩm mỹ nghệ gỗ làm từ gỗ trắc đen đều mang đến sự sang trọng, đẳng cấp và ấn tượng cho không gian nội thất nhờ màu sắc độc đáo. Bởi vậy nó luôn là loại gỗ được săn đón dù mức giá rất cao và đắt đỏ. Một điểm đặc biệt nữa của gỗ trắc ta là khi để lâu sẽ bị xuống màu (tối đen dần), nhưng màu đen của nó không phải kiểu đen mun (như màu tóc) mà nhìn kỹ vẫn thấy ánh nâu (gần giống nâu đất) hoặc hơi đỏ nhìn cực kỳ độc đáo.

Hiện nay thị trường chỉ còn những đồ gỗ cũ làm bằng gỗ trắc ta, rất hiếm đồ mới. Đa phần hàng mới làm đều là những món đồ nhỏ như tượng, độc bình, kỷ, vòng đeo tay, tràng hạt,… Còn bàn ghế, sập ngồi hoặc tủ chè cần những tấm ván lớn thì không còn gỗ để làm nữa (nếu có thì cũng rất quý hiếm, khó tìm và đắt đỏ).

Bởi vậy thị trường đang lưu thông đều là đồ cũ nên các bạn có thể thấy mẫu ngày xưa (từ vài chục năm trước) nhìn khá cổ điển, chỉ phù hợp với những nhà cổ, nhà thờ, không phù hợp với phong cách nội thất hiện đại ngày nay.

Tủ chè gỗ trắc ta 20 năm

Tủ chè gỗ trắc ta 20 năm nhìn vẫn như mới

Tuy vậy, những người trung niên (ngoài 50 tuổi) và dân chơi đồ cổ, đồ gỗ cũ rất yêu thích những sản phẩm đồ gỗ nội thất cao cấp như thế này. Bởi độ bền của nó có thể lên tới vài trăm năm, thậm chí cả nghìn năm cũng có thể. Giá bán của chúng rất cao, vì ngoài giá trị của gỗ còn có giá trị về thời gian, độ quý hiếm, độc lạ nữa.

Tủ chè gỗ trắc Việt

Màu sắc của gỗ trắc Việt phụ thuộc vào tuổi của cây, cây càng già màu càng đen và càng để lâu càng sậm màu

Từ thời phong kiến cho đến cách đây vài chục năm, loại gỗ này trong tự nhiên vẫn còn nhiều cây to nên chúng luôn là sự lựa chọn hàng đầu cho các sản phẩm nội thất như: bàn ghế, sập, tủ kệ,… Đặc tính gỗ cứng, chắc; khả năng chống lại mối mọt tốt nên rất bền bỉ theo thời gian. Nhiều gia đình ở miền Bắc vẫn còn lưu giữ những sản phẩm nội thất gỗ trắc đen từ thời ông cha để lại có giá trị rất cao.

Gỗ trắc đỏ (trắc Lào, trắc đỏ đen)

Còn có tên là Hồng Mộc, là cùng loại với cây trắc ta nhưng sinh trưởng ở Lào, Campuchia và Thái Lan, do điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu hơi khác so với Việt Nam nên màu sắc và phẩm chất gỗ cũng khác đôi chút. Đặc điểm chính của nó là thớ gỗ có màu đỏ pha với vân đen nên còn được gọi là trắc đỏ đen.

Màu đỏ nguyên bản của gỗ trắc đỏ khi mới xẻ ra là màu đỏ cà rốt, để lâu gỗ sẽ bị xuống màu chuyển dần sang màu đỏ của rượu vang (đỏ boóc-đô) và dần dần bị mất màu chuyển dần sang đen. Nhưng không phải màu đen như gỗ Trắc đen mà nhìn vẫn thấy ánh đỏ.

Gỗ trắc đỏ Lào

Gỗ trắc đỏ Lào (thị trường còn gọi là trắc đỏ đen)

Mặc dù không giá trị bằng trắc ta, nhưng đây vẫn là một trong những loại gỗ vô cùng quý hiếm và đắt đỏ. Gỗ chứa tinh dầu nên sẽ có mùi thơm nhẹ (gần giống mùi hoa hồng), an toàn cho người sử dụng. Thân gỗ có đặc tính cứng, chắc, độ bền cao. Khả năng chống mối mọt hay ẩm mốc của gỗ cũng rất tốt và không bị cong vênh nên rất phù hợp để gia công đồ mỹ nghệ cao cấp.

So với trắc ta, sản lượng của trắc đỏ nhiều hơn nên loại gỗ này cũng trở thành nguyên liệu gỗ trắc được giới chơi đồ gỗ Trung Quốc săn lùng. Dân buôn gỗ thường nhập khẩu trắc đỏ Lào về Việt Nam rồi đặt gia công tại các xưởng ở khu vực làng nghề Đồng Kỵ, sau khi chế tác thành phẩm sẽ xuất khẩu sang Trung Quốc.

Trắc Lào và Campuchia có màu đỏ đẹp hơn, nhiều vân đen, phẩm chất gỗ tốt hơn. Còn Trắc Thái và Trắc Indonesia ít vân hơn, màu gỗ không đẹp bằng, đôi khi còn có ánh xanh, nên giá mềm hơn. Mềm hơn là so sánh với nhau thôi chứ so với các loại gỗ khác thì nó vẫn thuộc nhóm đắt đỏ các bạn nhé.

Gỗ trắc xanh (Palo Santo, Gỗ Thánh)

Gọi là gỗ trắc xanh nhưng thực tế gỗ lại có màu vàng. Đây không phải là giống trắc bản địa của nước ta mà có nguồn gốc ở Nam Mỹ (Peru, Ecuador, Colombia). Trong tiếng Tây Ban Nha gỗ trắc xanh còn gọi là Palo Santo, tên khoa học của nó là Bursera graveolens. Vì nó có chứa tinh dầu tỏa hương thơm rất dễ chịu, được sử dụng phổ biến trong các nghi lễ tâm linh của người Inca (một bộ lạc ở Peru, sau này phát triển thành đế quốc lớn nhất ở Châu Mỹ) nên còn được gọi là gỗ thánh (Holy Wood).

Gỗ trắc xanh Palo Santo

Gỗ trắc xanh nhưng thực tế lại màu vàng

Tâm gỗ trắc xanh Palo Santo có chứa nhiều terpene (limonene và α-terpineol) nên trong nhiều thế kỷ qua, nó được sử dụng như một loại thuốc tự nhiên, dùng để chữa các bệnh về đường tiêu hóa (ợ nóng, đau dạ dày, nhuận tràng), xoa bóp cho bệnh thấp khớp. Gỗ trưởng thành cũng chứa nhiều hợp chất d-limonene có khả năng chống viêm và ngăn ngừa nhiều loại ung thư.

Vì cùng họ với trầm hương nên tinh dầu gỗ có mùi thơm dễ chịu, có khả năng xua đuổi muỗi và các loài côn trùng có cánh. Khi đốt cháy, khói của nó có hương thơm gần giống vỏ cam (quýt) và bạc hà, giúp thư giãn đầu óc, giảm căng thẳng. Bởi vậy hiện nay gỗ thánh Palo Santo vẫn được sử dụng phổ biến trong các nghi thức thanh tẩy tâm linh (thiền định, yoga, châm cứu), giúp tinh thần sảng khoái và giải phóng năng lượng tiêu cực.

Gỗ thánh Palo Santo

Gỗ thánh Palo Santo được sử dụng phổ biến trong các nghi thức thanh tẩy tâm linh

Loại gỗ này không được liệt kê trong Phụ lục CITES và IUCN báo cáo là loài ít được quan tâm. Phẩm chất gỗ kém, gỗ nhẹ và xốp nên không phù hợp để đóng đồ nội thất.

Thị trường hiện nay bán gỗ trắc xanh với giá khá cao. Một thanh nhỏ dài khoảng 10cm, đường kính 2-3cm, có giá bán vài chục nghìn đồng.

Cây trắc dây

Là một loại cây leo thân gỗ, đôi khi mọc thành bụi hay cây gỗ nhỏ ở các khu rừng rậm, rừng thưa, sườn núi, khe núi, ven sông. Chúng phân bố ở Vân Nam (Trung Quốc), đông bắc Ấn Độ, và một số nước Đông Nam Á (Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam). Cây trắc dây trưởng thành có thể dài dài từ 10-15m.

Cây gỗ trắc dây

Cây gỗ trắc dây

Tên khoa học của trắc dây là: Dalbergia rimosa Roxb. Đây không phải loại cây trồng lấy gỗ mà là phổ biến dùng làm dược liệu. Đông y sử dụng rễ trắc dây đun nước uống trị được đau đầu, gãy xương. Lá có thể dùng trị mụn và nhựa của cây có thể trị ngoại thương xuất huyết.

Gỗ trắc dây

Gỗ trắc dây (màu trắng là nhựa cây)

Mặc dù trắc dây là cây thân gỗ nhỏ nhưng nó ít được khai thác lấy gỗ. Bởi vì cành của nó không thẳng, lại mọc thành cụm chia nhiều nhánh nhỏ, cây cổ thụ cả trăm năm tuổi nhưng đường kính lớn nhất ở sát gốc cũng chỉ khoảng 20cm nên phần lõi của nó khá nhỏ, chỉ phù hợp làm đồ mỹ nghệ nhỏ như làm đũa, vòng tay, tràng hạt.

Tuy nhiên, vì dáng cây tương đối đẹp nên dân chơi cây cảnh bonsai lại rất ưa chuộng và thị trường hiện nay chủ yếu mua bán cây trắc dây cho mục đích này.

Cây trắc dây

Gốc cây trắc dây được dân chơi bonsai yêu thích

Về phẩm chất gỗ thì nó cũng rất tốt, nhưng rất ít người khai thác trắc dây để lấy gỗ mà thường đào cả gốc rễ bán cho dân chơi bonsai được giá hơn.

Vài năm gần đây, gỗ Takula Angola, một loại gỗ nhập khẩu từ Châu Phi cũng được dân buôn gỗ gọi với tên Trắc dây (nó cũng được gọi là trắc đỏ Takula hoặc trắc đỏ châu Phi) không phải cùng loại cây với trắc bản địa. Màu sắc vân gỗ hoàn toàn khác, phẩm chất gỗ cũng không thể so sánh với trắc của Việt Nam, dễ bị nứt khi gia công nên giá bán rẻ hơn rất nhiều.

Gỗ trắc đỏ Châu Phi (Gỗ Takula Angola)

Gỗ trắc đỏ Châu Phi (Gỗ Takula Angola)

Cây trắc nghệ (trắc vàng)

Trên nhiều trang mạng hiện nay đưa thông tin sai sự thật về gỗ trắc vàng, bởi vì trên thực tế không có loài trắc nào gọi là trắc vàng cả. Thậm chí có trang còn nêu hẳn tên khoa học của trắc vàng là Dalbergia balansae (một loại dược liệu) mà không thèm tìm hiểu gây nhiễu loạn thông tin. Hình ảnh về loại gỗ này trên mạng đều là vớ vẩn, sai sự thật.

Ở Việt Nam chỉ có trắc nghệ thôi các bạn nhé. Loại này cũng gần giống với trắc dây, sống thành bụi và chất dinh dưỡng dồn về gốc rễ nhiều nên phần gốc rễ rất to còn thân và cành nhỏ. Trên cành cây có nhiều gai nhọn nhổ ra nên dân đi rừng còn được gọi là trắc gai.

Cây gỗ trắc nghệ

Cây trắc nghệ

Phần thân và lõi gỗ của cây có màu vàng nghệ rất đẹp, phẩm chất gỗ cũng rất tốt nhưng vì lõi quá nhỏ nên không ai khai thác trắc nghệ để lấy gỗ. Bù lại dáng cây đẹp nên thị trường hiện nay bán nhiều phôi trắc nghệ cho dân chơi bonsai chơi cây cảnh.

Gỗ trắc Nam Phi

Một loại gỗ nhập khẩu từ các nước Châu Phi có màu sắc và vân gỗ nhìn gần giống với trắc Việt Nam. Tuy nhiên nó không phải là giống cây trắc cùng loại với trắc ta đâu các bạn nhé, nó là loại cây khác. Dân buôn gỗ khi nhập khẩu gỗ về họ sẽ nhìn vào màu sắc, vân gỗ để Việt hóa tên gọi cho dễ nhớ và dễ bán.

Gỗ trắc Nam Phi

Tượng và lục bình gỗ trắc Nam Phi

Phẩm chất gỗ trắc Nam Phi khá cứng và nặng, có độ dẻo, nhưng lại dễ nứt nẻ trong quá trình gia công. Gỗ có màu nâu đỏ, đường vân là những được sọc màu nâu đậm rất đẹp mắt; so với các loại trắc khác tom gỗ to hơn. Ngoài ra, thân gỗ không có chứa tinh dầu, nên sẽ có mùi hơi ngai ngái và không thơm.

Loại gỗ này có giá thành tương đối hợp lý và vẫn thừa hưởng một số ưu điểm của gỗ trắc nên rất được ưa chuộng trên thị trường.

Giá gỗ trắc bán theo kg?

Không riêng gì gỗ trắc mà tất cả các loại gỗ quý hiếm khác hầu như đều được bán theo cân nặng (tính bằng kg). Giá gỗ cũng dao động tùy thị trường từng thời điểm nhưng có những lúc lên tới tiền triệu/kg, đặc biệt khổ gỗ càng to thì càng đắt tiền. Gỗ nhỏ, gỗ vụn thì giá sẽ rẻ hơn.

Những cây gỗ thông thường trồng khoảng 20 năm là có thể thu hoạch, nhưng cây trắc 20 tuổi thậm chí còn chưa có lõi để khai thác gỗ. Tốc độ lớn của cây trắc rất chậm, muốn khai thác lấy gỗ phải có tuổi đời khoảng 50 năm (đường kính thân cây khoảng 40-50cm).

Mặc dù màu sắc và vân gỗ không phải là đẹp, nhưng bù lại phẩm chất gỗ cực tốt, xếp hàng đầu trong nhóm gỗ tự nhiên nên giá cao cũng là dễ hiểu.

Tình trạng bảo tồn

Trước đây việc khai thác và kinh doanh gỗ trắc trái phép để cung cấp cho thị trường đồ nội thất Trung Quốc từng bùng nổ rất mạnh ở châu Á. Các đại gia Trung Quốc sẵn sàng trả giá rất cao để thu mua loại gỗ này nên đã tạo thành cơn sốt, thúc đẩy một làn sóng khai tác gỗ trắc đến mức tuyệt diệt.

Gỗ trắc đỏ

Cành của một cây trắc đỏ bị khai thác trái phép do lâm tặc bỏ lại trong rừng

Gỗ trắc trong tự nhiên vốn đã bị phân bố chia cắt, lại bị nạn khai thác, xâm hại nghiêm trọng. Lâm tặc không tiếc công săn lùng khắp các khu rừng sản xuất cũng như khu vực bảo tồn, ngay cả những khu di sản thế giới được bảo vệ nghiêm ngặt cũng không ngoại lệ. Theo một thống kê năm 2014, đã có tới hơn 150 cán bộ kiểm lâm (bao gồm cả cảnh sát và quân đội) đã bị thiệt mạng trong hoạt động thực thi bảo vệ gỗ trắc tại các vùng ven sông Mê Kông.

Nói như vậy để các bạn biết được độ quý hiếm và giá trị kinh tế của nó cao như thế nào. Nếu không được sự bảo vệ của lực lượng chức năng, có lẽ nhóm 3 cây gỗ quý hiếm là: Trắc, Hương và Cẩm lai đã sớm tuyệt chủng từ lâu.

Tại Việt Nam, khu vực tập trung nhiều thương lái Trung Quốc nhất là làng nghề Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh) cứ ra đường là gặp người Trung Quốc. Thậm chí người Trung Quốc nói tiếng Việt giỏi như người Việt, các biển hiệu cũng sử dụng song ngữ Việt Trung luôn. Có thể nói kinh tế cả khu vực mạnh lên cũng nhờ gia công đồ gỗ xuất khẩu sang Trung Quốc và gỗ trắc là 1 trong những nguyên liệu chính trong đó.

Biển quảng cáo chữ Trung Quốc tại khu vực Đồng Kỵ, Từ Sơn, Bắc Ninh

Hàng trăm tấm biển quảng cáo sử dụng chữ Trung Quốc tại khu vực làng nghề Đồng Kỵ, Từ Sơn, Bắc Ninh

Năm 2013 tỉnh Bắc Ninh từng yêu cầu tháo dỡ hàng trăm biển quảng cáo chữ Trung Quốc của các xưởng, cửa hàng, showroom đồ gỗ nội thất ở khu vực này. Nhưng sau đó đến năm 2016 lại phải ra quân lần nữa thì đến nay (năm 2023) biển quảng cáo chỉ còn tiếng Việt.

Tóm lại, vì gỗ trắc thuộc nhóm quý hiếm, bền đẹp và có giá trị kinh tế cao, nên những cá thể gỗ trắc trưởng thành có đường kính lớn hầu như không gặp trong tự nhiên. Hiện nay trên thị trường chỉ còn những cây gỗ nhỏ, đồ nội thất làm bằng gỗ trắc hầu như đều phải chắp ghép. Tuy thế nhưng nó vẫn rất đắt, xếp hàng đầu trong nhóm đồ nội thất gỗ tự nhiên hiện nay.

Ứng dụng phổ biến nhất của gỗ Trắc chính là thiết kế nội thất gia đình và văn phòng. Các thiết kế giường, tủ, bàn ghế, sập, bàn làm việc,…. mang đến cả giá trị thẩm mỹ cũng như kinh tế cao. Bên cạnh đó, lượng tinh dầu có trong gỗ Trắc cũng giúp người dùng thoải mái hơn, hỗ trợ điều trị bệnh căng thẳng, suy giảm trí nhớ.

Không những vậy, loại gỗ này còn được ứng dụng trong phong thủy. Màu sắc và hương thơm của gỗ Trắc có khả năng thu nạp dương khí và vận may cho gia chủ. Vì thế bạn có thể dễ dàng bắt gặp các loại vòng đeo tay gỗ Trắc, lục bình, thiềm thừ phú quý, tượng gỗ,..

So sánh gỗ Trắc, gỗ Sưa, gỗ Gụ

Đặc điểm so sánh Gỗ Trắc Gỗ Sưa Gỗ Gụ
Phân loại Trắc đen, Trắc đỏ và Trắc vàng,   Sưa trắng và Sưa đỏ Gụ ta hay gụ Quảng Bình, loại này khá quý hiếm và đắtGỗ gụ mật: Loại gỗ này đến từ Gia LaiGỗ gụ lào: Loại này nhập khẩu chủ yếu từ Lào
Đặc điểm chung Mỗi loại Trắc đặc trưng một màu khác nhau.Thớ gỗ mịn, chắc, vẫn gỗ chìm, đẹp mắt. Gỗ có màu vàng hoặc đỏ, để lâu có thể xuống màu.Vân gỗ nổi lên từng lớp, xếp chồng lên nhau. mang đến cảm giác giống như những vết vằn trên lưng hổ. Gỗ có màu vàng nhạt hoặc là vàng trắng, sau một thời gian thì sẽ chuyển thành màu nâu thẫmThớ gỗ thẳng, vẫn gỗ mịn và đẹp
Mùi hương Gỗ có mùi thơm nhẹ, hơi chua nhưng không hăng Gỗ sưa cũng có mùi thơm thơm mát thoảng hương trầm Mùi hương từ gỗ gụ tỏa ra không có mùi hăng.

Trên đây là thông tin về gỗ trắc, cách nhận biết và phân biệt các loại gỗ trắc. Trước khi chọn mua các sản phẩm làm từ loại gỗ này, bạn hãy tìm hiểu kỹ về nguồn gốc, xuất xứ cũng như là chất lượng gỗ để chọn mua được những sản phẩm có chất lượng tốt.

Chủ đề: Tìm hiểu về gỗ