Nghệ nhân đục tượng

Làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Thiết Úng (Đông Anh, Hà Nội)

Ngày đăng: 09/05/2021 lúc 08:41

Làng Thiết Úng tên Nôm là làng Ống, xa xưa là Xa Lập phường; trước Cách mạng tháng Tám là một xã thuộc tổng Hà Lỗ, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh; nay là một thôn của xã Vân Hà, 1 trong 23 xã của huyện Đông Anh. Xã gồm có 6 thôn là Cổ Châu, Hà Châu, Hà Khê, Thiết Bình, Vân Điềm và Thiết Úng. Hiện làng có diện tích 89,965ha, dân số có 474hộ với 2.210 nhân khẩu, 1.149 lao động trong độ tuổi.

Chẳng biết cái nghề này có từ bao giờ, chỉ biết từ khi có tên gọi thôn Thiết Úng, thì ở đây đã có nghề chạm khắc gỗ, tạc tượng. Thế hệ trước nối tiếp thế hệ sau, những nghệ nhân, thợ giỏi làng nghề chạm khắc gỗ mỹ nghệ Thiết Úng luôn đau đáu với tình yêu nghề da diết, mong muốn giữ gìn những nét tinh hoa nghề truyền thống của cha ông để lại. Theo các bậc tiền bổi về nghề kể lại, vào thời nhà Nguyễn, những nghệ nhân của Thôn đã từng được triệu vào cung đế tham gia xây dựng cung điện, lăng tẩm cho vua, chúa. Nhờ sự tài tình, khéo léo của đôi bàn tay, nhiều nghệ nhân của làng nghề Thiết Úng đã được triều đình ban sắc phong.

Không giống các làng nghề khác, người làng Thiết Úng không thờ một vị tổ nghề có hành trạng, sự tích cụ thể. Dẫu chỉ là truyền thuyết, người làng Chàng – xứ Đoài xưa (nay là xã Chu Minh, huyện Ba Vì, Hà Nội) thờ cụ Phó Sần làm tổ nghề. Cụ là người có công đầu dựng nhà cho đức Thánh Tản với những chạm trổ hình rồng, cá, những tàn binh bại tướng của Thủy Tinh. Cụ cũng là người đầu tiên truyền bí quyết nghề nghiệp cho dân làng nên được tôn làm Tổ nghề. Người làng Bảo Huệ là tổ nghề tạc tượng. Xưa kia cụ thể nhà nghèo, phải lang thang đi khắp nơi kiếm sống. Học được nghề chạm khắc giix và tạc tượng cụ đã mang về truyền lại cho dân làng.

Người Thiết Úng thờ tổ nghề cùng với thành hoàng làng mình. Theo thần tích để lại, hai vị thành hoàng làng tên húy là Triệu Thục và Triệu Phá, vốn người làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, Hồng Châu, đạo Hải Dương. Các vị sống vào thời Hùng Vương thứ 18. Thủa nhỏ, các ngài đã thông minh, đĩnh ngộ, văn võ hơn người. Lúc trưởng thành, Triệu Thục được phong làm Đô úy, Triệu Phá được phong là Lang trung.

Sinh thời, khi đi qua phường Sa Lập (tên cũ làng Thiết Úng) thấy phong cảnh nơi đây non nước hữu tình, đất đai màu mỡ, con người thuần phác, hai vị bèn chiêu dân lập ấp, dạy dỗ, giáo hóa cho dân và dựng cung sở tại đây. Đất nước bị giặc xâm lăng, hai an hem cầm quân đi đánh dẹp. Thắng lợi trở về, Thục Công được phong là Đông Phá Đại Vương, Phá Công là Bình Thục Đại Vương. Hai vị cùng gia thần là con em ở Sa Lập trở về bản phường, mở tiệc khao dân. Chẳng bao lâu, hai ngài bỗng nhiên đều hóa. Vua vô cùng thương thiếc cho các vị làm thành hoàng làng, đồng thời cho dân phường Sa Lập dựng đền thờ phụng, mãi mãi muôn đời.

Hàng năm, cứ đến ngày 12/12 âm lịch (ngày hóa của đức thánh em), người dân Thiết Úng lại tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công lao của thành hoàng làng mình. Những ngày này cũng là dịp để người thợ Thiết Úng dân nén hương tưởng nhớ đến người đã đem nghề nghiệp về cho dân.

Lại nói, trong những dịp lễ Tổ nghề (hiện nay được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng), người thợ gỗ làng Thiết Úng đã tổ chức những sinh hoạt văn hóa mang đặc trưng nghề nghiệp rất thiết thực và có ý nghĩa. Nếu xưa kia người ta có lễ trình nghề thì nay đã được thay thế bằng hội thi “trí xảo”. Ở hội thi này, người thợ có cơ hội để biểu diễn và thi thố tài nghệ của mình. Những sản phẩm dự thi chính là công sức, là tài năng, tâm huyết của người thợ tích lũy cả đời, được đem trình làng trước sự chứng kiến của đức Tổ ở cõi siêu phàm. Phần thưởng tuy không lớn nhưng “Một miếng giữa làng” đã khiến người ta rất tự hòa và tạo đà kích thích để năm sau lại sáng tạo được nhiều tác phẩm tinh xảo hơn, điêu luyện hơn.

Trước đây, các sản phẩm chạm khắc gồ của làng nghề Thiết Úng được tập trung bày bán ở các phố Hàng Trống, Hàng Khay và Hàng Đàn. Phố hàng Khay bán các loại khay chén, tráp, hộp trầu, hộp đựng trang sức, còn phổ Hàng Trống, Hàng Đàn, Hàng Quạt là nơi vừa sản xuất, vừa bán các sản phấm như sập gụ, tủ chè, án thư, tràng kỷ, hương án, long đình…. Rất nhiều nghệ nhân, thợ giỏi của làng Thiết Úng xưa được triều đình phong hàm, phong tước hiệu cao.

          Ngày nay, sản phẩm của làng nghề mộc Thiết Úng gồm hai loại chính là hàng nội thất và hàng mỹ nghệ, được lưu truyền từ xa xưa, đến nay vẫn giữ nguyên kiểu dáng cổ. Bên cạnh đó, do nhu cầu của thị trường, một số sản phẩm được sáng tác mới thêm, làm theo yêu cầu của khách.

          Hàng trang trí nội thất do những người thợ ngang làm ra. Công cụ của họ cũng khác (máy cưa,máy bào, máy lọng, máy khoan và các loại đục). Các sản phẩm chính là bàn ghế các loại (bàn ghế Âu Á, bàn ghế Minh quốc, bàn ghế Ba lan, bàn ghế rồng lùng, bàn ghế kiểu cổ, bàn ghế Lạc Việt, bàn ghế rồng đỉnh tứ linh, bàn ghế hình gốc cây…); các loại tủ (tủ đựng quần áo các hình dáng khác nhau theo yêu cầu của khách, tủ chè, tủ ba buồng…); các loại giường, bệ tủ ca, tủ đựng bát, các loại sập…

          – Hàng mỹ nghệ chủ yếu là tượng gỗ. Tượng gỗ của làng nghề Thiết úng phong phú vê chủng loại, đa dạng vê mẫu mã. Điểm đặc biệt nhất ở tượng gỗ Thiết Úng là mỗi pho tượng làm ra đều có một dáng, vẻ và thần thái riêng như: tượng Di lặc đứng và ngồi ở các tư thế, anh hùng tương ngộ, Phật Ba Quan âm, Tam đa các kích thước, 18 vị La Hán, Đạt Ma sư tổ, thần tài thần lộc, hình người các tư thế, cô gái Quan họ, tượng mồng tre, các con vật có trong cuộc sống… Người thợ Thiết Úng hiện còn giữ được hơn 100 các loại mẫu mã đẹp từ cổ xưa. Ngoài ra, theo yêu cầu của khách hàng, người thợ có thể tạo ra bất kỳ một sản phẩm nào, cứ phác hoạ dáng vẻ, miêu tả đặc điểm là có thể làm được.

          Khoảng chục năm trở lại đây, nhu cầu về sản phấm đồ gồ mỹ nghệ trên thị trường tăng cao, nghề điêu khắc gỗ mỹ nghệ của thôn Thiết Úng đã lan rộng ra các thôn lân cận. Tuy nhiên, sản phẩm điêu khắc gồ do các nghệ nhân, thợ giỏi thôn Thiết Úng vẫn là những sản phẩm có “thương hiệu mạnh” trên thị trường trong và ngoài nước.

          Để làm ra một sản phẩm chạm khắc gỗ, công đoạn đầu tiên là xử lý gỗ nguyên liệu. Trước tiên người thợ phải chọn được loại gỗ đảm bảo độ bền, chắc, ít cong vênh, rạn nứt, thớ gỗ phải dẻo mịn. Gỗ được chọn kỳ lưỡng, loại bỏ giác gỗ (đây là phần gỗ non phía ngoài cùng cây gỗ). Sau đó, được luộc nhiều ngày để đảm bảo gỗ không bị cong vênh do thời tiết.

Pha gỗ là công đoạn hết sức quan trọng, do nghệ nhân, thợ giỏi giàu kinh nghiệm thực hiện. Công đoạn này phân chia những cây gỗ lớn thành các thanh gỗ phù hợp với từng loại sản phẩm giống như người đầu bếp sơ chế nguyên liệu, giúp tiết kiệm nguyên liệu đầu vào. Nếu không biết pha gỗ thì sản phẩm sẽ có chỗ thừa chỗ thiếu, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm cuối cùng.

Những thanh gỗ sau khi được pha chế xong sẽ được những thợ đục, thợ khảm tạo ra những bức tượng, hoa văn, hoạ tiết trang trí nghệ thuật. Với những thợ đục lành nghề, mọi đường nét bức tượng, hay hoa văn, họa tiết như đã định hình sẵn trong đầu người thợ; hình các nhân vật hay bức tranh điêu khắc cứ hiện dần lên theo từng nhát chàng, nhát đục.

          Sau khi sản phẩm cơ bản hoàn thành, người ta chuyển sang khâu làm sạch và trang trí, gọi là khâu gọi hàng. Khâu này nhẹ nhàng hơn nhưng lại đòi hỏi độ tinh xảo và khéo léo hơn, thường do phụ nữ đảm nhận. Người thợ gọt cũng đục mỏng hơn để gọt nhẵn các chi tiết, chạm khắc những nét hoa văn tinh xảo để hòan thiện sản phẩm.

          Tiếp đến là khâu làm bóng sản phẩm. Người thợ lăn sơn ta trên mặt gỗ để khô, dùng đá cán cho phẳng, sau đó dùng trấu, lá ngái, lá chuối đanh bóng. Khi sản phẩm hoàn thiện thì dùng sáp ong xoa một lớp mỏng chờ khô rồi lấy rẻ lau nhẹ cho đến khi sản phẩm đạt được độ bóng cần thiết.

          Ngày nay, những khâu trên vẫn được duy trì, nhưng nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật nên đẩy nhanh được tốc độ, giảm bớt sức lao động chân tay. Người thợ bây giờ xây lò sấy gỗ, ngâm tẩm chỉ mất khoảng 5 – 15 ngày, khi tỷ lệ thuỷ phân trong gỗ còn 14 – 17%, mới đem ra sản xuất. Các quy trình khác cũng được cải tiến: dùng máy cưa để xe gỗ, dùng máy vanh để tạo hình dáng cơ bản, sau đó người thợ đục mới tạc thành hình của phẩm (nhiều gia đình còn dùng máy để đục lượng hàng ra nhiều mà lại đều nhau). Khâu làm nhẵn, làm bóng sản phẩm thì dùng giấy giáp đánh nhẵn, dùng dầu phun bằng máy. Thời gian làm ra một sản phẩm ngày nay nhanh hơn và tinh xảo hơn rất nhiều ngày xưa.

Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Truyền, nét độc đáo trong một tác phẩm của nghệ nhân nơi đây được thể hiện ở chỗ với một pho tượng, cái thần thái, cái nghệ thuật là ở khuôn mặt, vóc dáng và các chi tiết minh họa. Từ nụ cười, đôi má hoặc đôi mắt… đều phải toát lên được sự đồng bộ, hài hoà, mềm mại và sinh động. Có bức tượng, chỗ khuỷ tay phải gọt vát hơi tròn, mà trong thực tế, chỗ đó không thể tròn được mà phải là gấp khúc; có như vậy thì mới tạo ra nét độc đáo, sinh động và đó chính là nghệ thuật; hay như thần thái của nhân vật làm tăng giá trị của tác phẩm, nó quyết định ranh giới giữa một tác phẩm nghệ thuật với một tác phẩm vô hồn. Ví dụ như pho tượng Quan công cưỡi ngựa Xích thố, được thế hiện với dáng vẻ đằng đằng sát khí, tay đang vung thanh long đao chém kẻ thù; khác với vẻ mặt uy nghi điềm tĩnh của Quan công ở tư thế duyệt binh. Cái đẹp, sự thành công của một tác phẩm nghệ thuật là ở chỗ đó.

Tượng Thánh Gióng đánh giặc

          Người làng đã có cả một bài ca nói về truyền thống của làng nghề, được sáng tác khoảng năm 1929 – 1931, như là bản tổng kết về làng mộc truyền thống, tuyên dương tài năng cá nhân làm nghề. Nhiều cụ cao tuổi trong làng hiện vẫn thuộc bài ca này.

BÀI CA ĐẤT ĐẼO

                   Làng ta đất đẽo tiếng đồn

                   Miệng đời mai mỉa vẫn còn gần xa

                   Đẽo là đẽo gỗ làm nhà

                   Làm rường, làm cột, làm nhà, làm rui

                   Từ đền thờ đến đồ chơi

                   Bao nhiêu thợ khéo, mấy đời tiếng tăm

                   Hàn lâm, Bá hồ hàng trăm

                   Mỗi người mỗi vẻ hai năm rõ mười

                   Đình chùa đao góc khắp nơi

                   Trước ông Bảy Nhỡ, sau này cụ Ba

                   Kiểu nhà tiểu đại trung khoa

                   Là ông cụ Bút làng ta bậc thầy

                   Ngẫm xem từ trước tới nay

                   Kiểu nào cũng có những tay thợ già

                   Cửu Điềm, Bá Thuận làm nhà

                   Bình phong, mành trúc cứ là vô phương

                   Cột đèn uốn éo mây rồng

                   Kể trong làng thợ nhất ông Cửa Điềm

                   Mành, tủ, trúc tước giáng chim

                   Ngoài ông Đắc Trực dễ tìm được ai

                   Phượng, rồng, cửa võng đều tài

                   Cửu Tư mục tiệm thật tài toàn năng

                   Hoa lá tây cụ Bá Tăng

                   Sập vải Đắc Thịnh ai bằng hơn ai

                   Đỗ thờ bát bửu oai nghiêm

                   Cụ Đào Đình Cẩn tài trên bậc thầy

                   Đời xưa cho đến đời nay

                   Nhân tài ngang dọc đất này kém chi

                   Đem hàng Đấu xảo Pa ri

                   Cụ Thuật với lại cụ Y theo sang

                   Đồ hàng ông đã xuất dương

                   Anh – Tây thích thú biết đường quen mui

                   Ông Năm nguyện với ông Bùi

                   Ông Tố, ông Chất được mời sang sau

                   Tủ chè, sập gụ, ghế Tàu

                   Mecxi: Tốt tốt gậy đầu bông bông

                   Phẩm hàm tặng thưởng mấy ông

                   Mề đay kim khánh đền công nhọc nhằn

                   Chẳng qua cũng việc làm ăn

                   Ai mua thì bán, ai cần giúp cho

                   Việc đời, đời liệu, đời lo

                   Kiếm cơm nuôi vợ, con no được rồi

                   Khen cho các cụ tinh đời

                   Lập phường “Chí xảo” dạy tài con em

                   Đất lề, quê thói đã quen

                   Hàng nam thi thố thưởng khen rõ ràng

                   Giỏi thì đi học làm quan

                   Không thì yên phận ở làng làm ăn

                   Thợ cày, thợ mộc trong làng

                   Đời con cuộc sống còn cần đến ta

                   Dở, hay giữ mấy đạo nhà

                   Đẽo đục, đục đẽo ai mà dám chê

                    Có phúc thợ mọc, thợ nề

                   Nếu mà vô thúc thầy đề, thầy cai

                   Nôm na  xin có mấy lời

                   Ai khen cũng tạ, ai cười mặc thây.

          Ngoài sản phẩm gỗ, từ năm 1960, làng Thiết Úng còn có sản phẩm bằng nguyên liệu ngà voi. Vốn là, Nghệ nhân Đỗ Văn Kỳ ra Hà Nội gặp người quen cùng nghề là cụ Huệ làm hàng mỹ nghệ bằng ngà voi cho Công ty mỹ nghệ Hà Nội. Cụ xin mang về sản xuất tại nhà riêng, mấy anh em con cháu cùng làm với nhau, sau dần dần mở rộng đến cả xóm, làng. Từ đó HTX Chạm ngà Từ Vân được thành lập, ban đầu có 15 xã viên, sau phát triển thành 175 người, nhận ngà voi của Ban liên xã tiểu thu công nghiệp thành phố Hà  Nộ để làm gia công. Sau này, ngà voi thiếu, làm sang cả sừng trâu, xương trâu. Xã viên HTX được hưởng lương, gạo theo phân phối nên đời sống cũng ổn định. HTX Từ Vân được thành lập bởi sự hội tụ các thợ có tay nghề bậc cao từ các thôn trong toàn xã và nhiều xã lân cận.

          Khoảng năm 1991, HTX Chạm ngà Từ Vân đổi tên thành HTX cổ phần Từ Vân, nhưng sau đó, HTX không hoạt động theo hình thức tập thể mà các xã viên về nhà tự chủ trong việc sản xuất và tìm kiếm thị trường tiêu thụ.

          Từ khi Việt Nam gia nhập tổ chức thương mại thế giới, sản phẩm của làng nghề Thiết Úng được quảng bá và xuất sang các thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc. Do lượng hàng xuất khẩu được nhiều nên một số hộ gia đình, công ty đã từng bước đưa các công nghệ cao vào sản xuất đồ gỗ, như: máy đục, máy hạ nền qua máy vi tính.

          Từ các thế kỷ trước, thợ thủ công Thiết Úng tổ chức thành từng nhóm, từng tốp thợ đi tới từng vùng quê trong cả nước để xây dựng sản xuất. Các đình, chùa, dinh thự, các đồ dùng trang trí nội thất ở khắp mọi nơi đều được bàn tay người thợ làm ra. Nhiều công trình ở các làng trong vùng vẫn còn lưu giữ đến ngày nay, như cửa võng đình Vĩnh Thanh, đình Lỗ Khê, đình Vân Điềm và đình Thiết Úng, đình Hà Khê… đều nhờ bàn tay người thợ Thiết Úng.

          Người làng Thiết Úng là cụ Đào Đình Cẩn được tôn thờ là ông Tổ thợ mộc ở chợ Lái Thiêu, nay đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá.

          Những năm kháng chiến, nhiều người mang nghề đi làm ở những nơi tản cư, nhờ đó sống được trong những năm chiến tranh đầy gian khó. Hoà bình lập lại một thời gian, kinh tế còn nhiều khó khăn, chủ trương đưa thợ thủ công vào HTX, rồi chiến tranh phá hoại nổ ra, cơ chế quan liêu bao cấp kéo dài nên suốt mấy chục năm, nghề truyền thống không có cơ hội phát triển. Năm 1986, đường lối đổi mới như cơn gió lành thổi vào làng nghề Thiết Úng. Một số thợ giỏi có tâm huyết trong làng đứng ra tập hợp thợ, thành lập HTX Chí Sảo do ông Đào Đình Luân làm chủ nhiệm, nhằm chấn hưng nghề truyền thống của địa phương. Ngoài việc chạm khắc các đồ mỹ nghệ, HTX còn sản xuất các loại bàn, ghế, tủ, đồ  thờ cúng, trang trí nội thất phục vụ thị trường. Kinh tế thị trường cùng việc tôn trọng tính tự chủ của gia đình trong phát triển kinh tế làm cho nghề ngày một phát triển.

          Đến nay, cả làng có 95% hộ gia đình làm nghề, có 9 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội, trong đó 2 người được công nhận có bàn tay vàng, đặc biệt nghệ nhân Nguyễn Kim được bầu làm đại biểu Quốc hội. Trong làng còn có khoảng 200 thợ cả có thâm niên nghề trên 20 năm; 872 thợ tham gia vào nghề chạm khắc gỗ; 100 doang nghiệp (hộ vừa sản xuất, vừa buôn bán), 4 công ty tư nhân, 1 HTX cổ phẩn, tham gia giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động trong và ngoài xã.

          Trong làng còn có 160 – 180 cửa hàng giới thiệu và buôn bán sản phẩm và khoảng 100 cửa hàng ở các thành phố lớn như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Lào Cai, Lạng Sơn, Móng Cái.

Thiết Úng tự hào có những người con được phong danh hiệu nghệ nhân đó là cụ Đào Văn Bồi, cụ Đồng Thế Hiển, cụ Đồng Văn Ngọc, cụ Đồng Văn Huy, ông Đỗ Văn Mùi, ông Nguyễn Văn Lưu… Để bảo tồn những giá trị truyền thống của làng nghề, Sở Công Thương Thành phố đã phối hợp với các nghệ nhân mở nhiều lớp đào tạo, nhằm truyền thụ cho các thế hệ tiếp theo hiểu được những giá trị truyền thống quí báu của nghề và nắm bắt được những kỹ xảo trong nghề chạm khắc gỗ. Đồng thời, kết hợp đào tạo kiểu “cha truyền con nối”. Trong xã hầu hết các nghệ nhân có kinh nghiệm tuổi đời và tuổi nghề đã cao, nay truyền nghề cho con cháu bằng hết khả năng của mình, nhất là kỳ thuật tinh xảo, bí quyết nghề để có được sản phẩm sống động. Ở đây số nghệ nhân tuy còn ít, song lớp trẻ kế cận hiện nay đã đông lên gấp nhiều lần. Họ đã biết kế thừa truyền thống của cha ông, áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại để làm tăng thêm giá trị cho những sản phấm gồ mỹ nghệ Văn Hà, cùng nhau tiếp tục xây dựng “thương hiệu làng nghề truyền thống Vân Hà” ngày càng bay xa trên trường quốc tế.

          Hình thành từ thế kỷ XVII, nghề chạm khắc Thiết Úng đã được triều đình phong kiến hai lần ban sắc phong ca ngợi tay nghề các nghệ nhân của làng. Ngày 26/2/2010, thôn Thiết Úng, xã Vân Hà, huyện Đông Anh đã tổ chức lễ đón nhận và rước Bằng công nhận Làng nghề điêu khắc gỗ mỹ nghệ truyền thống Hà Nội. Như vậy, truyền thống tiếp nối truyền thống làng chạm khắc Thiết Úng mãi sáng danh và trường tồn theo thời gian tạo nên giá trị kinh tế văn hóa cho làng nghề.

Chủ đề: Làng nghề gỗ